Quán quân Olympia và cách cống hiến trong thế giới phẳng

Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 Phan Minh Đức đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc về nước cống hiến của những nhà vô địch Olympia. Việc này một lần nữa thu hút luồng ý kiến trái chiều về chuyện nên quay về hay ở lại của những người có tài.

Quán quân Olympia và cách cống hiến trong thế giới phẳng

So sánh sinh viên ngoại tỉnh với du học sinh là khập khiễng

Lý giải về chuyện du học sinh ở lại nước bạn sau khi tốt nghiệp chứ không về nước, Đức đưa ra sự so sánh: "Nhiều bạn sinh ra tại các tỉnh lẻ sau khi lên Hà Nội học, tiếp tục ở lại thủ đô để làm việc. Phải chăng, những người này phải trở về quê hương mới có thể cống hiến".

Nhiều ý kiến cho rằng, Minh Đức không đúng khi đưa việc cống hiến của một cá nhân ngoại tỉnh đối với quê hương mình làm ví dụ cho việc cống hiến cho Việt Nam khi đang ở quốc gia khác. Lý do cho việc này trước tiên là về thành tựu mà nhà vô địch đó làm được, kết quả đó sẽ dành cho ai?

Một bạn đọc chia sẻ: “Mình không đồng ý với so sánh giữa các sinh viên tỉnh làm việc tại thành phố lớn và việc chảy máu chất xám là giống nhau. Một cộng đồng xã hội mở, nói như vậy có thể đúng, nó phục vụ cho nhân loại. 

Song trên phương diện một quốc gia thì việc các sinh viên tỉnh làm việc tại thành phố lớn làm thiệt hại cho tỉnh nhưng cũng vì mục tiêu chung của một quốc gia duy nhất. Việc sinh viên định cư nước ngoài dài hạn, vô tình họ phục vụ cho lợi ích của ai?".

Khi Việt Nam chỉ được vinh danh nhờ "thiên tài gốc Việt"

Luồng ý kiến không đồng tình với phép so sánh này tạo đà cho các độc giả tiếp tục đưa ra lý do thuyết phục Minh Đức, cũng như những nhà cựu vô địch Olympia về nước.

Bạn đọc Nguyên chia sẻ rằng một người chỉ có thể cống hiến hết sức khi sống và làm việc trên chính quê hương mình, bởi đây là nơi có người thân, gia đình, là mảnh đất đã góp phần tạo nên kiến thức đầu đời cũng như nguồn cảm hứng để những học sinh giỏi phấn đấu.

Độc giả Nguyễn Dũng Tiến phân tích kỹ hơn những thiệt thòi Việt Nam sẽ phải chịu, khi công trình nghiên cứu từ chất xám người Việt nhưng sẽ đứng tên một quốc gia nào khác: 

"Việc các bạn ở lại cống hiến chất xám cho công ty nước ngoài, cho Australia, cho nhân loại, nói thật Việt Nam chẳng xơ múi được tẹo nào. Họa chăng đến khi các bạn được giải Nobel, đất nước chỉ được "hưởng sái" tí oai".

Một độc giả khác đồng quan điểm, khi cho rằng thành công ở nơi đấy chỉ mang lại vinh quang hư ảo, Việt Nam sẽ chỉ được nhắc tên tới dưới dạng "người gốc Việt thành công".

Bên cạnh đó, một số bạn đọc quan ngại trước tương lai Việt Nam phải bỏ tiền ra mua bản quyền phát minh nào đó, khi nó lại được tạo ra từ chính khối óc người Việt.

Định nghĩa lại "cống hiến" khi thế giới đã phẳng

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nêu ra quan điểm, ở thời đại kỹ thuật số, khi ranh giới tri thức nhân loại không còn bó buộc trong phạm vi địa lý, biên giới quốc gia, giới trẻ cần có cái nhìn thoáng hơn trước hai từ "cống hiến".

Không ít ý kiến chỉ ra, các nhà vô địch phải lo được cho bản thân mình thì mới hướng lên mục đích cao hơn được. Một độc giả phân tích: “Làm việc kiếm sống, kiếm cơm, kiếm tiền với cống hiến là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu 90 triệu người Việt Nam đi làm mà ai cũng gọi là cống hiến thì như vậy bình thường hóa hai chữ “cống hiến” rồi. 

Thêm hay bớt một, hai người chẳng ảnh hưởng gì đến 90 triệu dân. Anh phải làm được gì đã rồi mới nói là có cống hiến hay không. 

Cống hiến là phải làm được những gì người khác không làm được và phải đem lại lợi ích đáng kể, ví dụ như đem kiến thức mới giảng dạy cho dân hay đem nhà đầu tư, dự án lớn về. Thế mới đáng gọi”.

Về vấn đề lo ngại chảy máu chất xám, bạn Đỗ Phước Hữu thẳng thắn bày tỏ ý kiến, khi thế giới đã phẳng, không thể áp đặt lên suy nghĩ của các bạn trẻ khi cho rằng về làm việc cho đất nước mới là yêu nước nhất, còn làm cho các công ty nước ngoài là không đóng góp gì cho quê hương.

Bạn đọc tên Hoa chia sẻ: “Nếu sợ chảy máu chất xám thì rõ ràng điều quá ích kỉ. Đó là khuyết điểm trong tính cách của con người. Loài người muốn văn minh và phát triển hơn thì phải biết cách xóa bỏ những tư duy như thế. 

Nên hướng đến những cái vĩ mô nhất cho nhân loại chứ không phải cho riêng một cá nhân, một vùng hay một quốc gia nào.”

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ