Nhập nhèm quảng cáo
Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam hiện nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng liên tục tăng. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành thực phẩm chức năng bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng.
Tính đến tháng 9/2018, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai 20 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (trong đó có 8 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và 12 đoàn kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm); thực hiện công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị về an toàn thực phẩm; xử lý vi phạm về quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt lên tới hơn 4 tỷ đồng, trong đó có 67 hành vi vi phạm về quảng cáo với tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi 5 giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Cục An toàn thực phẩm đã chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp.
Chặt chẽ trong kiểm soát
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn y dược quốc tế (IMC) đưa ra kiến nghị: “Hiện nay giữa thông tin và quảng cáo trong thị trường thực phẩm chức năng đang lẫn lộn. Vì vậy, cần phải siết vấn đề quảng cáo, đặc biệt là những quảng cáo làm sai lệch thông tin.
Giữa thông tin và quảng cáo phải nên rạch ròi, tránh nhầm lẫn. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần xác định rõ vấn đề này. Cụ thể, cái gì là công bố thông tin thì doanh nghiệp sẽ đăng ở mục thông tin. Còn quảng cáo là một hình thức khác của thông tin, vì vậy cần phải xin phép cơ quan chủ quản.
Các thông tin các doanh nghiệp đã đăng ký với Bộ Y tế, với Cục quản lý Thực phẩm chức năng đã được xác nhận thì không cần phải xin phép”.
Tại mục 4 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP đã quy định xử phạt những vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông; kiểm nghiệm thực phẩm rất cụ thể. Mức xử phạt lên tới 70 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy tài liệu, yêu cầu cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nếu vi phạm quy định về đăng ký công bố sản phẩm có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Trên thị trường Việt Nam hiện có tới 70% sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, trên 20% được nhập khẩu.
Đến nay, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý sản phẩm này. Trong đó, quy định mạnh mẽ nhất là việc ghi nhãn mác TPCN.
Cụ thể, ngoài các quy định bắt buộc, trên nhãn các sản phẩm phải ghi rõ “thực phẩm này không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh”. Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với một số cơ quan tiến hành hậu kiểm nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và sẽ xử lý rất nặng.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân ngày càng gia tăng. Vì vậy, theo PGS. TS Trần Đáng, việc quản lý thực phẩm chức năng cần được quan tâm với phương thức và chính sách vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm đồng thời hài hòa với các quy định quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm: Trường hợp phát hiện sai phạm quảng cáo trên web, Cục chỉ xử lý theo thẩm quyền các công ty vi phạm.
Đối với trường hợp, doanh nghiệp không thừa nhận các quảng cáo đó do doanh nghiệp đăng, Cục xử lý bằng cách đăng thông tin trên trang web của Cục, thông báo đến người tiêu dùng biết tránh mua sản phẩm đó; đồng thời tiếp tục gửi hồ sơ sang các cơ quan liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý.
Các cơ sở vi phạm về quảng cáo đều được công khai thông tin kịp thời tại website Cục ATTP: www.vfa.gov.vn.