Quản lý giáo dục là một nghệ thuật

GD&TĐ - Quản lý là nghệ thuật hoàn thành công việc thông qua người khác; là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ chức, sử dụng các nguồn lực sẵn có để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Như vậy chức năng cơ bản của quản lý là: Lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và kiểm tra.

Quản lý là nghệ thuật. Ảnh minh họa/Minh Phong
Quản lý là nghệ thuật. Ảnh minh họa/Minh Phong

Cán bộ quản lý phải đảm nhận nhiều vai

Nhà quản lý đóng vai trò quan trọng, góp phần chủ yếu quyết đinh hiệu quả và sự phát triển bền vững của tập thể. Với chức trách của mình, người quản lý đảm đương nhiều vai trò khác nhau.

Đó là chia sẻ của kỹ sư Ngô Thanh Hải – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên trong bài tham luận của mình tại Hội thảo khoa học Quốc tế “Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Nhà quản lý là những người làm việc trong tổ chức, điều khiển công việc của người khác và chịu trách nhiệm trước kết quả hoạt động của họ. Nhà quản lý là người lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát con người, tài chính, vật chất và thông tin một cách có hiệu quả để đạt được mục tiêu.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, các tác động của quá trình toàn cầu hoá, bước chuyển sang nền kinh tế tri thức, sự phát triển như vũ bão về công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cho giáo dục có thêm vai trò mới đó là: Giáo dục vừa là động lực cho việc vận hành nền kinh tế tri thức, vừa là hạ tầng xã hội cho việc hình thành xã hội tri thức.

Đó là nền giáo dục đặt trên cơ sở thích ứng với điều kiện, khả năng và nhu cầu phát triển của xã hội mới; đang tạo ra một bức tranh đa dạng của các hệ thống giáo dục thế giới, nhưng vẫn có sự thống nhất về xu thế vận động và phát triển, đó là: Phổ cập hoá giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, dân chủ hoá giáo dục, thương mại hoá giáo dục, quốc tế hoá giáo dục.

Đồng thời tạo sức ép buộc hệ thống giáo dục phải có sự thay đổi trong đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp cho xã hội những con người có khả năng làm việc theo nhóm, làm công dân, làm lãnh đạo, năng động và sáng tạo... phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại.

Cán bộ quản lý giáo dục có vai trò của người điều hành một hệ thống lớn và phức tạp, đồng thời thực thi các chính sách giáo dục đa dạng và mềm dẻo để giải quyết một cách chủ động và sáng tạo các vấn đề mới nảy sinh như: Phân cấp quản lý, trách nhiệm xã hội, huy động nguồn lực, dân chủ hoá giáo dục, tin học hoá quản lý...

Cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo thực hiện thành công chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Ảnh minh họa/Minh Phong
Cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo thực hiện thành công chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Ảnh minh họa/Minh Phong

Vai trò của cán bộ quản lý xưa và nay

Cán bộ quản lý giáo dục cấp trường trước đây thực hiện mệnh lệnh cấp trên trong mọi lĩnh vực: chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, thì ngày nay họ quyết định, tổ chức thực hiện, minh bạch hoá các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và kĩ năng chủ yếu của họ là giải quyết vấn đề.

Cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo thực hiện thành công chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Vai trò của cán bộ quản lý giáo dục thay đổi một cách căn bản.

Nếu cán bộ quản lý giáo dục trước đây hướng tới ổn định và trật tự thì cán bộ quản lý giáo dục ngày nay hướng tới đổi mới và phát triển. Cán bộ quản lý giáo dục trước đây quản lý bằng mệnh lệnh, còn cán bộ quản lý giáo dục ngày nay phải đóng vai trò nhà chính trị để tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ và tổ chức.

Cán bộ quản lý giáo dục trước đây không biết đến sức ép tài chính, còn cán bộ quản lý giáo dục ngày nay phải xoay sở như một doanh nhân...

Cán bộ quản lý giáo dục của cơ quan cán bộ quản lý giáo dục trước đây thường chỉ huy, ra lệnh và kiểm soát thì ngày nay cần hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện.

Tất cả những sự thay đổi trên đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục phải được chuẩn bị chu đáo và thường xuyên về chuyên môn - nghiệp vụ quản lý chủ yếu thông qua đào tạo - bồi dưỡng.

Cán bộ quản lý giáo dục phải được trang bị những kiến thức về lý luận quản lý hiện đại, nghiệp vụ quản lý thiết thực mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt cần có các kĩ năng quản lý của thế kỷ XXI: kĩ năng giao tiếp và liên nhân cách; định hướng đạo đức và trí tuệ; kĩ năng quản lý sự thay đổi; khả năng khơi dậy và nuôi dưỡng động lực; có tầm nhìn chiến lược; kĩ năng phân tích và giải quyết vấn đề; kĩ năng xây dựng tư duy toàn cầu; dám nghĩ, dám làm; nhạy bén với các xu thế thị trường; sử dụng công nghệ thông tin, có năng lực hoạt động thực tiễn, năng lực đối ngoại,... để trở thành nhà quản lý có đủ bản lĩnh biến chủ trương, chính sách thành hiện thực; trở thành nhà quản lý trong sạch và thạo việc, thực hiện đúng chức trách một cách chuyên nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc minh bạch và hiệu quả.

Có thể nhận thấy rằng, giáo dục Việt Nam trong suốt quá trình phát triển và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao đang thiếu và yếu.

Điều này đã và đang là hạn chế không nhỏ tới sự phát triển của ngành giáo dục để đáp ứng được với yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Từ việc đánh giá đúng vai trò của đội ngũ này trong bối cảnh mới, cần thấy rằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết.

Bài viết được lược ghi từ tham luận của Kỹ sư Ngô Thanh Hải tại Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ