Quản lý dạy học thêm tốt hơn khi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

GD&TĐ - Đưa dạy-học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, đặc biệt với dạy-học thêm ngoài nhà trường.

Nhiều nhà giáo ủng hộ đưa dạy-học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa/ITN.
Nhiều nhà giáo ủng hộ đưa dạy-học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa/ITN.

Cần ủng hộ khi học thêm thực sự xuất phát từ nhu cầu người học

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của người học.

Ví dụ, học sinh yếu cần người hỗ trợ, giúp đỡ để dần tiến bộ. Hoặc học sinh giỏi muốn học thêm nâng cao kiến thức, phát triển bản thân… Dạy thêm, học thêm thực sự xuất phát từ nhu cầu người học thì cần ủng hộ.

Bên cạnh đó, dạy học thêm tràn lan; phụ huynh ép con học ngày học đêm để chạy theo điểm số, chạy theo thi cử, vì bệnh thành tích; giáo viên ép học sinh học thêm vì lợi ích của mình… thì cần phải cấm.

Như vậy là không thể cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm vì như vậy là trái với quy luật kinh tế thị trường; có “cung” phải có “cầu”. Có người cần học thì phải có người dạy. Cần có giải pháp để quản lý để hoạt động này đi đúng quỹ đạo, không bị biến tướng.

Bộ GD&ĐT đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đó là giải pháp hợp lý. Khi đưa vào diện kinh doanh có điều kiện, quản lý bằng pháp luật thì sẽ chặt chẽ hơn.

Liên quan đến dạy thêm, học thêm trong nhà trường, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, hoạt động này không được thu tiền mà thể hiện hết trách nhiệm của nhà trường, của các thầy cô. Tuy nhiên, giáo viên không thể làm thêm mà không có bồi dưỡng.

Do đó, Nhà nước và mỗi nhà trường phải chấp nhận bỏ ra một khoản kinh phí để hỗ trợ các thầy cô dạy thêm. Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường việc quản lý khó khăn hơn.

Chia sẻ điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh cần có các biện pháp tổng thể, không thể chỉ trông chờ vào Bộ GD&ĐT.

“Phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của địa phương; nâng cao nhận thức cho các phụ huynh để họ không chạy theo điểm số, thành tích. Các thầy cô giáo cũng phải có ý thức, có trách nhiệm với nghề của mình. Học sinh giỏi cũng như học sinh kém, chỉ bồi dưỡng trong một thời gian nhất định để các em có đủ năng lực tự học, tự phát triển”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: ITN.

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: ITN.

Bài toán khó nhưng không phải không có lời giải

Cô Phạm Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cũng bày tỏ đồng tình với việc đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Lý do là nhu cầu học tập để bổ sung, nâng cao kiến thức trong quá trình học của học sinh là hoàn toàn bình thường, hợp lý. Khi việc học chính khóa chưa đủ đáp ứng nhu cầu về kiến thức, học sinh tìm đến những trung tâm, lớp học thêm của các thầy cô là điều dễ hiểu. Có “cầu” ắt có “cung”.

“Trước đây và cả hiện nay, nhiều giáo viên không sống được bằng nghề. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, có thầy cô làm thêm bằng việc bán hàng online để tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Nhiều thầy cô may mắn hơn, dạy các bộ môn được phụ huynh và xã hội quan tâm có tham gia dạy thêm. Tôi cho rằng đó là điều bình thường. Ngành Y, bác sĩ mở phòng khám để làm thêm lúc ngoài giờ, thì các thầy cô dạy thêm cũng không có gì sai”, cô Phạm Thị Hằng chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao quản lý tốt việc dạy thêm học thêm, đảm bảo việc học thêm là hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh “bị ép” đi học thêm.

Nói điều này, cô Phạm Thị Hằng đồng thời cho rằng, việc dạy thêm trước hết đòi hỏi “cái tâm” của người thầy. Người thầy phải thực sự làm việc hết mình ở những tiết dạy chính khóa, tạo cho học sinh niềm đam mê muốn khám phá môn học; tuyệt đối không dạy chính khóa hời hợt, “để dành” kiến thức cho lớp học thêm.

“Hạn chế vi phạm về dạy thêm, học thêm là bài toán khó, nhưng không phải là không có cách giải. Trước hết, các cấp lãnh đạo cần quan tâm sát sao việc thực hiện chuyên môn ở trường học, gắn với chỉ tiêu phấn đấu của người lao động, có chính sách khen thưởng tốt đối với người có thành tích.

Cần đảm bảo giáo viên thực sự có thể sống được bằng lương tháng và các thầy cô nếu có dạy thêm cũng chỉ là để nâng cao chất lượng giáo dục chứ không phải để kiếm thêm thu nhập”, cô Phạm Thị Hằng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ