Các nhà lập pháp Indonesia đã thông qua một bộ luật mới cấm sống thử trước hôn nhân, bội đạo và đưa ra các hình phạt đối với hành vi xúc phạm tổng thống hoặc bày tỏ quan điểm trái với hệ tư tưởng quốc gia. Nó cũng được áp dụng cho cư dân và khách du lịch nước ngoài.
Lãnh đạo Ủy ban Quốc hội phụ trách sửa đổi bộ luật thời thuộc địa trên là nhà lập pháp Bambang Wuryanto. Ông cho biết tất cả đã đồng ý phê chuẩn các thay đổi dự thảo thành luật và cho rằng bộ luật cũ từ thời Indonesia là thuộc địa của Hà Lan đã không còn phù hợp nữa.
Là quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, Indonesia chứng kiến sự gia tăng chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo trong những năm gần đây. Luật Hồi giáo nghiêm ngặt đã được thi hành ở nhiều nơi, bao gồm cả tỉnh bán tự trị Aceh, nơi rượu và cờ bạc bị cấm. Các vụ đánh đòn nơi công cộng đối với một loạt các hành vi phạm tội bao gồm đồng tính luyến ái và ngoại tình vẫn diễn ra.
Các thay đổi đối với bộ luật hình sự khiến những người ủng hộ nhân quyền đưa ra cảnh báo. Nó được cho là có khả năng bóp nghẹt các quyền tự do cá nhân và có tác động tiềm ẩn đối với ngành du lịch.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Pháp luật và nhân quyền Yasonna Laoly cho biết, không dễ để một quốc gia đa văn hóa và đa sắc tộc đưa ra một bộ luật hình sự “phù hợp với mọi lợi ích”.
Ông hy vọng người dân Indonesia hiểu rằng các nhà lập pháp đã làm mọi thứ có thể để đáp ứng “nguyện vọng của công chúng” và mời các bên không hài lòng gửi bản xem xét tư pháp lên tòa án hiến pháp.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu trên, các nhóm nhân quyền và các nhà phê bình đã cảnh báo bộ luật mới sẽ “tác động không tương xứng đến phụ nữ”, hạn chế hơn nữa các quyền và sự tự do của con người ở quốc gia có hơn 270 triệu dân này.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một bước thụt lùi lớn đối với tiến bộ mà Indonesia đã khó khăn đạt được trong việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản sau cuộc cách mạng năm 1998”, Giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá quốc tế Indonesia Usman Hamid cho biết.
Bảo vệ hôn nhân hợp pháp
Bộ luật hình sự mới dài tới 200 trang và đã được soạn thảo trong nhiều năm. Một dự thảo trước đó dự kiến được thông qua vào 2019 nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn lại sau khi nhiều người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, xuống đường yêu cầu chính phủ rút lại dự thảo.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào thời điểm đó, Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu sau khi xem xét nghiêm túc phản hồi từ các bên khác nhau, những người phản đối một số nội dung quan trọng của bộ luật hình sự.
Ông Usman Hamid lưu ý rằng “không có thay đổi có ý nghĩa” nào được đưa ra kể từ năm 2019.
Theo phiên bản luật mới được thông qua, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân có khả năng bị phạt tù một năm mặc dù có những hạn chế về người có thể khiếu nại chính thức. Theo đó, chỉ cha mẹ hoặc con cái mới có thể trình báo về người có hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nhằm tránh lạm dụng quy định mới vì các mục đích khác.
Cùng với việc giới thiệu các hành vi phạm tội mới, bộ luật này cũng mở rộng các luật và hình phạt hiện hành. Theo một tài liệu dự thảo, luật báng bổ đã tăng từ “1 lên 6 điều khoản” và hiện có thể dẫn đến mức án tối đa là 5 năm tù.
Ông Hamid cho biết việc khôi phục các điều khoản cấm xúc phạm tổng thống, phó tổng thống, chính phủ đương nhiệm cũng như các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục tạo ra “hiệu ứng ớn lạnh” rõ ràng đối với quyền tự do ngôn luận và hình sự hóa những lời chỉ trích hợp pháp.
Trong khi đó nhà nghiên cứu Indonesia thuộc Tổ chức Theo dõi nhân quyền Andreas Harsono cảnh báo chúng có thể bị lạm dụng để nhắm mục tiêu vào một số cá nhân.
Mặc dù vậy, quan chức Bộ Pháp luật và nhân quyền Indonesia Albert Aries bảo vệ luật mới vì cho rằng nó nhằm bảo vệ các cuộc hôn nhân bất hợp pháp. Luật mới cần được Tổng thống President Joko Widodo phê chuẩn và được thực thi sau giai đoạn chuyển tiếp là 3 năm.
Quốc hội Indonesia thông qua việc cấm tình dục ngoài hôn nhân. Ảnh: Reuters |
Có thể gây rắc rối
Luật trên có thể gây rắc rối cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thường xuyên tiếp đón và phục vụ khách du lịch và công dân nước ngoài.
Như đảo Bali phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ khách du lịch và vẫn đang phục hồi sau sự suy giảm do đại dịch Covid-19. Chủ tịch Hiệp hội các công ty lữ hành và du lịch Indonesia (ASITA) ở Bali Putu Winastra nói rằng luật này sẽ “khiến người nước ngoài phải suy nghĩ kỹ” về việc đến thăm Indonesia.
“Theo quan điểm của chúng tôi, với tư cách là những người tham gia ngành du lịch, luật này sẽ rất rắc rối”, ông Putu nói và cho rằng liệu có nên hỏi những cặp đôi chưa kết hôn ở nước ngoài xem họ đã kết hôn hay chưa. Ngoài ra, liệu các cặp đôi đi du lịch có phải chứng minh rằng họ đã kết hôn hay không.
Theo ông Putu, luật này có thể “phản tác dụng” đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm lôi kéo khách du lịch quay trở lại đảo Bali. Ông cho rằng nếu những luật này thực sự được thực hiện, khách du lịch có thể bị bỏ tù và điều này sẽ gây hại cho ngành du lịch.
Mặc dù vậy, giới chức Indonesia khẳng định du khách tới đảo Bali không bị áp dụng luật mới này.