(GD&TĐ) – Phe đối lập Syria đã chiếm được một sân bay quân sự gần thành phố Aleppo vào hôm qua (12.2) trong một sự yếu thế nữa của lực lượng thân cận Tổng thống Assad. Sân bay là cơ sở quân sự mới nhất rơi vào sự kiểm soát của phe nổi dậy tại khu vực chiến lược nằm giữa trung tâm thương mại, công nghiệp Syria và trung tâm sản xuất dầu mỏ, lúa mì ở phía đông.
Quang cảnh hoang tàn tại một thành phố ở Aleppo của Syria |
Phe đối lập cho biết căn cứ quân sự nằm gần sân bay Aleppo đã trở thành công cụ ngăn chặn phe nổi dậy chiếm các trung tâm thành phố lớn. Các nhà chức trách Syria đã cấm hầu hết các hãng truyền thông độc lập tại đây khiến cho việc xác minh các sự kiện rất khó khăn.
Một nhà ngoại giao ở Trung Đông cho biết phe đối lập “dường như đang có những ưu thế lớn” ở Aleppo và dọc theo sông Euphrates ra phía Đông. Các đơn vị đã tiến vào trung tâm Damascus bằng cách đột phá qua một đường vòng xuyến và thiết lập các điểm ở những khu vực gần trung tâm lịch sử của thành phố có 2 triệu dân.
Tại đủ đô Damascus, cư dân và các nhà hoạt động cho biết quân đội đã đưa xe tăng tới quảng trường trung tâm Abbasid để tăng cường bảo vệ sau khi quân nổi dậy tới đây vào tuần trước và tấn công một số mục tiêu an ninh tại trung tâm thủ đô.
Máy bay ném bom vào các khu vực quân nổi dậy nắm giữ ở phía đông thủ đô và các vùng phía đông Ghouta nơi phe nổi dậy vừa tiến hành tấn công để cắt đường cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội.
Cuộc giao tranh kéo dài gần 2 năm đã trở nên căng thẳng hơn trong 3 tuần nay kể từ khi lãnh đạo chính trị của phe đối lập đưa ra lời đề nghị đàm phán để ông Assad ra đi.
Trong phản ứng đầu tiên của chính phủ, Bộ trưởng về “hòa giải quốc gia”, ông Ali Haidar, cho biết ông sẵn sàng ra nước ngoài để gặp gỡ ông Moaz Alkhatib, chủ tịch nhóm đối lập Liên minh quốc gia Syria đang ở Ai Cập.
Các nhà chức trách trước đó cho rằng họ sẽ đàm phán với “phe đối lập yêu nước” – những người không theo phe nổi dậy có vũ trang. Tuy nhiên, hầu hết những nhân vật có chủ trương ôn hòa này đã rời khỏi đất nước kể từ khi ông Abdel-Aziz al-Khayyer – người đề xuất đàm phán và không bạo lực – bị bắt vào năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Khatib cho biết các nhà chức trách đã bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm “trao quyền lực từ bên này sang bên kia” và khẳng định một cuộc đàm phán chính thức phải diễn ra trên đất Syria.
Cuộc nổi dậy ở Syria đã trở thành đẫm máu nhất trong số các phong trào lật đổ 4 nhà lãnh đạo ở Libya, Ai Cập, Tunis và Yemen.
Hà Châu (Theo Reuters)