Quan điểm “tiền ai nấy quản” lên ngôi

GD&TĐ - Quản lý tài chính trong gia đình là vấn đề nhận nhiều quan tâm của cả hai giới không chỉ ở giai đoạn tiền hôn nhân mà trong cả quá trình chung sống sau này.

 Ảnh minh họa. Nguồn: INT
Ảnh minh họa. Nguồn: INT

Quan điểm phụ nữ phải giữ tiền đã không còn nhận nhiều ủng hộ.

Tiền không mọc trên cây

Để có thể quản tiền, trước hết phải hiểu được giá trị thực sự của tiền. Phong cách, thói quen vận hành gia đình của các bậc cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tư duy và hành xử của con trẻ.

Là chuyên gia về tài chính gia đình và trẻ em với hơn 30 năm kinh nghiệm, Neale S. Godfrey (người Mỹ), trong cuốn sách “Tiền không mọc trên cây” khẳng định, kỹ năng quản lý tài chính quan trọng với trẻ không kém bất kỳ kỹ năng sống nào.

Neale S. Godfrey viết: “Tiền bạc là một thước đo giá trị – giá trị sức lao động, giá trị thời gian, giá trị mọi thứ. Và hiểu về giá trị là một bước đầu quan trọng để hiểu về các giá trị”. Do đó, chúng ta cần truyền dạy trẻ những bài học về tiền bạc ngay từ khi trẻ lên ba.

Là người tâm đắc với nội dung cuốn sách, chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Mạnh Linh school psychology) chia sẻ: Cuốn sách này đưa ra những chỉ dẫn rất rõ ràng, dễ hiểu về việc dạy con trẻ các kiến thức quản lý đồng tiền theo từng độ tuổi, như giúp trẻ tính tiền, tiết kiệm, lập ngân sách chi tiêu, cho đến những khái niệm tài chính phức tạp như “ghi nợ” hay “thế chấp” đến cả những thế giới hoàn toàn mới như dùng thẻ tín dụng, mua cổ phiếu, hay giao dịch ngân hàng trên mạng.

Bằng cách tự nhiên nhất, các bậc cha mẹ cần đưa con mình vào thế giới tiền tệ mà trước đây ta nghĩ rằng chỉ dành cho người lớn, những kế hoạch mà con bạn cần phải được trang bị… để trở thành một người trưởng thành độc lập về tài chính và sống có trách nhiệm.

Về vấn đề này, ThS tâm lý Đinh Thị Thu Hoài (Trung tâm kỹ năng sống Inslight) cho rằng: Trẻ hiểu về giá trị của tiền thì sẽ biết quý trọng đồng tiền, từ đó hình thành thói quen chi tiêu có kế hoạch. Ngay những bài học ban đầu về tiền, cha mẹ cũng nên lồng ghép câu chuyện về cách quản lý tài chính cá nhân. Một đứa trẻ hiểu được giá trị của tiền nó sẽ hiểu về giá trị trao đổi và chắc chắn sẽ biết giữ gìn đồ chơi hay các vật dụng khác trong nhà.

“Cách quản lý, chi tiêu của các bậc phụ huynh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các con bạn, những đứa trẻ vốn thường có xu hướng lặp lại những thói quen của cha mẹ. Ngay cả chuyện trong nhà, bố hay mẹ là người giữ tiền hay quyết định tới các khoản chi cũng không nằm ngoài mối quan tâm của bọn trẻ. Vì vậy, sự phù hợp sẽ khiến những bài học về tài chính trở nên gần gũi và dễ vận dụng, giúp trẻ dễ chấp nhận khi chúng gặp tình huống cụ thể với cá nhân trong tương lai” - ThS Đinh Thị Thu Hoài nói.

Đã hết thời “giỏ” với “hom”

Câu chuyện của một nhóm phụ nữ trung niên lâu ngày hội ngộ như rôm rả hơn khi đề cập về vấn đề ai nên quản lý tài chính trong nhà.

Chị Thái An, 48 tuổi (quận Tân Bình, TPHCM) nêu quan điểm: Tôi vẫn rất tâm đắc câu nói của các cụ xưa “Chồng là cái giỏ/ Vợ là cái hom”. Vì hom là thứ ngăn cho những thứ đã kiếm được không bị rơi khỏi giỏ. Vì vậy, chi tiêu trong gia đình nên để chị em phụ nữ, còn đấng mày râu không nên dính nhiều đến chuyện tiền bạc.

Theo chị Thái An, việc để người phụ nữ giữ tiền cũng là sự thể hiện tin tưởng, tôn trọng vợ của người chồng. Phù hợp với tính chi li, tiết kiệm vốn là tố chất mang đặc trưng về giới của chị em. Nếu người đàn ông quản lý mọi chi tiêu trong nhà sẽ dễ biến thành người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, khó còn thời gian, tâm trí lo tính những việc lớn lao hơn.

Quan điểm trung hoà, chị Lê Mai, 32 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) thoải mái chia sẻ: Ngay từ khi mới cưới nhau, vợ chồng tôi đã thống nhất quan điểm “tiền ai nấy giữ”. Tuy nhiên, chúng tôi xây dựng quỹ chung để cùng nuôi con, mua sắm hay lo những việc lớn trong nhà. Với chị Mai đó là cách quản lý kinh tế vừa chung lại vừa rất riêng, khiến chị cảm thấy vô cùng thoải mái.

Theo lời kể của chị Lê Mai, hàng ngày vợ chồng tiện ai thì đi chợ với số tiền từ quỹ chung mà mỗi người trích ra hàng tháng. Còn khi làm việc lớn gì cần đến nhiều tiền thì vợ chồng cùng bàn bạc: Như mua nhà, đất, mua xe hay đầu tư làm ăn... cũng với quỹ đóng góp theo tỷ lệ mà vợ chồng đã thống nhất.

Đứng trước 2 quan điểm này, chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho rằng: Để tránh những mâu thuẫn không đáng có xảy ra trong gia đình liên quan đến vấn đề tiền bạc, thống nhất quan điểm từ đầu là việc nên làm và là việc làm thể hiện sự văn minh trong ứng xử. Đừng cho rằng tiền bạc là vấn đề tế nhị vì nếu một khi vì mâu thuẫn kinh tế mà xảy ra mâu thuẫn thì rất khó cứu vãn. Cùng đó, ảnh hưởng xấu đến tâm lý và thói quen của con trẻ trong nhà.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh ủng hộ quan điểm, vợ chồng nên “tiền ai nấy giữ”. Cách này khiến cả hai vợ chồng đều có trách nhiệm đóng góp, vun vén xây dựng tổ ấm mà vẫn giữ được tự do chi tiêu cá nhân, không gây khó khăn cho người kia khi cần chi tiêu gấp.

“Con cái trong gia đình chỉ tập trung tài chính vào bố hoặc mẹ sẽ dễ sinh tâm lý so sánh. Đôi khi trẻ sẽ thấy bất công vì tại sao bố hoặc mẹ lại không thể quyết định việc mua cho con một món đồ chỉ vì lý do không quản lý tiền, trong khi họ cũng là người làm ra tiền. Điều này sẽ có ảnh hưởng không tốt đến động lực kiếm tiền và thái độ trong quản lý tài chính của trẻ” – chuyên gia Mạnh Linh nhấn mạnh.

“Về dạy trẻ quản lý tiền, một trong những nguyên tắc quan trọng cha mẹ cần dạy con là “có làm mới có ăn”. Khi cha mẹ dạy con càng sớm về tiền bạc thì khi trưởng thành con sẽ có được kỹ năng quản lý tiền khoa học.
Kiếm tiền quan trọng nhưng quản lý đồng tiền làm ra còn quan trọng hơn rất nhiều. Bản thân cha mẹ cũng cần học để dạy con đúng cách về đồng tiền. Tiền không xấu, chỉ con người không được giáo dục và ứng xử không đúng với nó mới là điều đáng trách.
Khi được dạy về giá trị của đồng tiền một cách bài bản, tự khắc đứa trẻ sẽ tôn trọng việc phân vai quản lý tiền trong nhà. Chúng sẽ hiểu, người quản lý tài chính luôn biết trân trọng giá trị của lao động, nhận được tín nhiệm của người còn lại và hơn hết đó là trách nhiệm “đầu tư” cho cuộc sống tốt đẹp hơn một cách tiết kiệm nhất” – ThS Đinh Thị Thu Hoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.