Trong sử triều Nguyễn, hiếm có vị quan nào khẳng khái can vua như Quan các Phượng Trì.
Can vua không nhục quốc thể
Vũ Phạm Khải (1807 - 1872), quê làng Thiên Trì, nay là thôn Phượng Trì, xã Yên Mạc (Yên Mô - Ninh Bình). Ông làm quan dưới 3 triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Vì có thời làm chức Tham biện nội các nên dân gian quen gọi Vũ Phạm Khải là Quan các Phượng Trì. Ông được đánh giá là liêm khiết, trong sạch, nhưng cuối cùng lại chết trong u uất hiềm thù.
Vũ Phạm Khải đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831), sau làm hậu bổ ở Nghệ An. Năm 1834 làm sơ khảo trường Nghệ An, rồi quyền Tri huyện Thanh Chương. Trong thời gian này, vừa tập sự việc quan vừa nấu sử sôi kinh nhưng khoa thi hội năm 1835, ông lại bị trượt vì phạm trường quy.
Từ đó ông dứt hẳn con đường khoa cử, an phận nhận quyền Tri huyện. Vài năm sau, Vũ Phạm Khải được triệu về kinh làm việc trong Viện Đô sát. Là người tính tình cương trực, ông ra mặt phản đối vua Minh Mệnh về cách đối xử xúc phạm đến các quan lại.
Khi ấy Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Trung Mậu phạm lỗi, vua Minh Mệnh cho bắt trói lại. Vũ Phạm Khải thẳng thắn can: “Trung Mậu ngôi đến Thượng thư, có tội tưởng chỉ nên thuất giáng. Gông trói ông ta như thế, mọi người nhìn vào sẽ ra sao? Sợ không hợp với cách tôn người tôn, quý người quý”.
Năm 1840, lệ tuế cống vừa đúng dịp lễ thọ 60 tuổi vua nhà Thanh, Minh Mệnh cử một lúc hai sứ bộ vừa tiến hành nghi lễ ngoại giao, vừa gồng gánh nhiều hàng đi đổi ngoại hóa về dùng. Vũ Phạm Khải kịch liệt phản đối, cho rằng làm thế là nhục quốc thể, có khác gì đi buôn.
Thời gian này, dân sự ngoài Bắc không yên, ông và Ngự sử Lê Chân được Minh Mệnh phái đi thanh tra. Khi đến huyện Kim Động (Hưng Yên), gặp lúc địa phương bị tai hạn mà trong huyện thành vẫn hát xướng, ông đã dâng sớ xin cách chức viên Tri huyện này: “Ngoài thành khóc mà trong thành hát, không có lòng trắc ẩn, không phải là cha mẹ dân”. Sau đó viên quan này bị cách chức.
Sau khi Minh Mệnh mất, Thiệu Trị lên ngôi năm 1841, Vũ Phạm Khải được thăng Lang trung bộ Hình, biện lý công việc của bộ. Ba năm làm quan ở bộ Hình, ông đã khảo cứu các bộ luật, trích rút những điều hệ trọng về lễ nghi và hình sự để soạn cuốn “Lịch đại chính hình thông khảo”.
Cuốn sách được triều Nguyễn coi như một cẩm nang dùng trong công việc hình án. Quan niệm xét xử của ông khác hẳn đương thời, tức là không phải chỉ tìm cách để buộc tội, mà còn phải tìm mọi điều khoản để có thể gỡ tội.
Vũ Phạm Khải chủ trương giữ nghiêm pháp luật, kết đúng người, đúng tội, bất chấp kẻ quyền thế. Có một vụ án mạng, thấy đã buộc tội lầm, ông yêu cầu đưa ra đình thần duyệt lại. Trương Đăng Quế là vị quan đầu triều, bảo vệ mức án trước.
Ông không chịu nên Trương Đăng Quế nói: “Tôi phụng mệnh vua quyết y án”. Ông cãi: “Tôi ở bộ Hình quyết bác án”. Trương Đăng Quế quát lớn: “Ông không chịu nghe lời tôi sao?”. Vũ Phạm Khải thẳng thừng đáp: “Vì pháp luật, tôi không thể theo ngài”. Thế là bản án oan sai sau đó được vua Thiệu Trị bác đi như ý của ông.
Quan cử nhân tuyển chọn tiến sĩ
Thiệu Trị chú ý chỉnh đốn việc chép sử triều Nguyễn, xây dựng Sử quán, Vũ Phạm Khải được chọn, và năm 1844 - bộ “Đại Nam thực lục tiền biên” gồm 12 quyển đã được hoàn thành. Dù chỉ là một cử nhân, nhưng Vũ Phạm Khải được coi như một học giả uyên bác về lịch sử, địa chí. Ông đã thực hiện biên soạn sách về nhiều thể loại, rất hữu ích cho hậu thế.
Và dù chỉ là một cử nhân, nhưng Vũ Phạm Khải nhiều lần được phái tham gia tuyển chọn hiền tài qua các kỳ thi. Năm 1941 lấy được 11 tiến sĩ. Năm 1848, Vũ Phạm Khải lại được sung chức duyệt quyển cùng Đỗ Tông Quang lấy 8 tiến sĩ, 14 phó bảng.
Khoa này có Đặng Huy Trứ trúng cách, nhưng vì trong bài có mấy chữ phạm đến tên làng Gia Miêu họ Nguyễn tôn thất mà bị đánh hỏng, cách tuột cả học vị cử nhân, phạt đánh một trăm roi và cấm thi cả đời.
Vũ Phạm Khải đứng ra xin tha cho Trứ được miễn hình phạt cuối cùng. Kỳ ân khoa cuối năm ấy, Đặng Huy Trứ đỗ đầu bảng, được trọng dụng và trở thành nhà canh tân nổi tiếng đương thời.
Vũ Phạm Khải thu dạy học trò, số người theo học có đến hàng trăm. Ông từng được cử làm Phó chủ khảo trường thi Hà Nội, tuyển chọn các nhân tài ở đất Thăng Long cho triều đình nhà Nguyễn.
Là người có tài nhưng quá trực tính, Vũ Phạm Khải khó tránh khỏi tai họa. Trong 15 năm làm quan, ông bị 2 lần giáng cấp và 19 lần phạt trừ lương (tương đương với 95 tháng lương, bằng một nửa thời gian làm việc). Năm 1848 bị cách chức, ông xin nghỉ việc về quê phụng dưỡng cha mẹ, nhiều lần từ chối lệnh vời của triều Nguyễn. Năm 1856, khi ông tròn 50 tuổi, một lần nữa triều đình lại có “nghiêm mệnh” triệu vào kinh.
Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm Đà Nẵng. Trong triều nổ ra cuộc đấu tranh giữa hai phe chiến và hòa. Vũ Phạm Khải không ngần ngại đứng về phe chủ chiến. Năm 1859, ông phải về quê chịu tang cha và sau đó một năm là tang mẹ. Thời gian này, chính sách “phân sáp Gia Tô” của triều Nguyễn làm cho người dân vùng Ninh Bình bạo loạn.
Khi quan quân dẹp loạn xong, muốn truy nã những kẻ chạy trốn, Vũ Phạm Khải can rằng làm thế chỉ nhiễu dân. Quan tỉnh xét được giấy tờ muốn truy cứu, ông khuyên đốt hết những giấy tờ ấy, xóa hết tội thì bạo loạn sẽ chấm dứt.
U uất án oan theo giặc
Nghe tin Hòa ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết, Vũ Phạm Khải đau xót và làm bài “Lỗ Trọng Liên luận” (Bàn về Lỗ Trọng Liên) để bày tỏ ý chí. Biết có phái bộ Pháp ra Huế, ông viết Tờ tâu về việc đối phó với Pháp, khuyên Tự Đức không chấp nhận Hòa ước ấy và xử lý cứng rắn. Song, những kiến nghị chẳng có hồi âm, những lời thỉnh nguyện của ông đều bị bác bỏ.
Khi phái đoàn của thực dân Pháp từ Sài Gòn ra Huế đòi vua Tự Đức phải nhượng nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), trong buổi thiết triều của vua Tự Đức để bàn bạc vấn đề này, Vũ Phạm Khải vạch rõ âm mưu thâm độc của Pháp.
Trước xu hướng cầu hòa của triều đình, biết mình thân cô thế cô nhưng Vũ Phạm Khải vẫn đứng giữa điện Thái Hòa quát lớn: “Phải ở trong vòng vạn nguy, vạn chết mới làm ra được công cuộc vạn toàn.
Chưa hề nghe thấy, chỉ ngồi bó tay mà có sự vạn toàn được… Chiến sĩ đời xưa không nói hòa, chiến sĩ đời nay chỉ một mực nói hòa. Quan võ đời xưa không sợ chết, quan võ đời nay chỉ một mực sợ chết, sao mà đời nay lại khác hẳn đời xưa như vậy!”.
Thế rồi từ một văn quan ở triều đình, Vũ Phạm Khải được (bị) cử làm Thương biện đi dẹp phỉ, rồi làm quyền Bố chính Thái Nguyên - nơi quan lại thì tham nhũng, bọn phỉ đang hoành hành dữ dội, triều đình bó tay.
Chính tại đây, trong lúc ông đang ra sức điều tra các vụ án tham nhũng, chẩn cứu dân thì bị cấp triệu về kinh. Một số quan lại địa phương bị ông điều tra đã câu kết với triều thần vốn đố kỵ, hiềm khích tìm cách vu cáo, kết tội ông theo giặc.
Vũ Phạm Khải về triều bị giáng ba cấp, lại bị một số viên quan vốn có hiềm khích cũ đàn hặc đòi kết án nặng. Ông đã tự bào chữa nhưng Bộ Lại chủ trì sự việc cố tình giằng dai suốt 5 tháng không đi đến kết luận. Trong thời gian này, Vũ Phạm Khải qua đời trong u uất vào cuối tháng 1/1872, thọ 65 tuổi.
Theo truyền ngôn, Vũ Phạm Khải bị cường thần ép tự vẫn bằng thuốc độc. Ông phẫn chí tự nín hơi để chết mà không chịu uống, giữ cho mình trong sạch ngay cả khi về với cát bụi. Vũ Phạm Khải mất khi bản án oan trái vẫn chưa có lời phán xét.
Sau khi Vũ Phạm Khải qua đời, vua Tự Đức tỏ lòng thương tiếc, ban thơ viếng, cải chính cho ông khỏi cái án theo giặc, biểu dương công trạng, ban phát tiền tuất và cho khâm liệm, mai táng chu tất ở quê nhà.
Hiện nay, tại khu vực núi Voi - chùa Hang và nhà thờ danh nhân Vũ Phạm Khải là quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Ninh Bình. Nơi đây thu hút đông đảo văn nhân, học sinh – sinh viên đến thắp hương tưởng niệm Quan các Phượng Trì.