Quà vặt không còn là… chuyện vặt: Nguy cơ gây bệnh từ cổng trường

GD&TĐ - Các loại đồ ăn, thức uống bày bán xung quanh khu vực cổng trường học phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền.

Đồ ăn vặt cổng trường đa phần không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: INT
Đồ ăn vặt cổng trường đa phần không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: INT

Các loại đồ ăn, thức uống bày bán xung quanh khu vực cổng trường học phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng…

Hiểm họa khôn lường

Với học sinh, những đồ ăn đầy màu sắc, kích thích vị giác khó bỏ qua, song chúng tiềm ẩn nhiều bệnh tật, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, thể chất, tâm lý của trẻ. Đã đến lúc cần cảnh báo mạnh mẽ về tác hại của những thứ đồ ăn vặt độc hại này.

Món quà vặt phổ biến nhất trước các cổng trường phải kể đến nem chua, xúc xích rán, thực phẩm từng được gọi tên “xiên bẩn” hay hàng loạt những sản phẩm xanh, đỏ trong các gói đóng sẵn. Ngó qua chiếc xe lưu động đông nghịt học sinh vây quanh, chỉ thấy hàng trăm chiếc que xiên, một can dầu ăn với những túi nilong đựng thực phẩm không có bao bì, nhãn mác. Hiện nay, món ăn ngày càng có nhiều “cải tiến” với đủ chủng loại, đa dạng từ tôm, kẹo hồ lô đến chả mực, chả cá viên,… tất cả được rán ngập trong một thứ dầu đã ngả màu.

Nghiêm Xuân Khang - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đại Yên (Hà Nội) cho biết: “Bạn bè em ai cũng ăn, cứ chiều tan học, trong lúc chờ bố mẹ đến đón, bọn em lại góp tiền mua vì nó ngon lắm. Em còn hay mua cả thịt hổ và que tăm cay nữa. Mặc dù bố mẹ và thầy cô có nhắc nhở nhưng em ăn thấy không sao nên vẫn tiếp tục dùng”.

Chị Thủy, phụ huynh học sinh chia sẻ: “Đôi khi cũng sợ đồ ăn không đảm bảo vệ sinh nên không cho cháu ăn. Nhưng cháu cứ đòi ăn cùng bạn bè nên cũng không cấm được”.

Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với những món ăn vặt được bán trong hàng quán, xe đẩy hay trên vỉa hè, không ai có thể quản lý được chất lượng cũng như độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng việc sử dụng các loại dầu ăn không rõ nguồn gốc đã là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây hại đến sức khỏe.

TS Nguyễn Thanh Tuyền - Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết, “lượng dầu ăn được dùng đi dùng lại có acolein rất cao. Chất này gây hại cho gan, gây kích ứng niêm mạc dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ung thư.

Hơi acrolein có thể kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp. Nếu tiếp xúc kéo dài có thể gây viêm, hoại tử, loạn sản nhẹ biểu mô mũi, tế bào đáy. Acrolein còn gây viêm loét, xuất huyết, tăng sản biểu mô đường tiêu hóa”.

Ngoài ra, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Điều này có thể gây ra cho người dùng các triệu chứng cấp tính tức thời như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…

Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Theo các chuyên gia, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn, như: E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột... Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) tiêu huỷ đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc trước sự chứng kiến của học sinh. Ảnh minh họa: ITN

Đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) tiêu huỷ đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc trước sự chứng kiến của học sinh. Ảnh minh họa: ITN

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn

Trên thực tế, học sinh ít nhiều đã được các giáo viên dạy về an toàn thực phẩm. Các bậc phụ huynh cũng nhận thức rất rõ vấn đề mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm trôi nổi ngoài cổng trường. Thế nhưng, thực tế vẫn có muôn vàn tình huống để khó có thể “nói không” với đồ ăn vặt cổng trường.

Theo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng thông tin, chỉ trong hai ngày 21, 22/9, tổng cộng 30 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học Cơ sở Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi uống một loại nước ngọt.

Các em này trước đó ra cổng trường mua nước ngọt đóng trong chai dung tích 245ml, không rõ nguồn gốc, nhãn ghi chữ nước ngoài. Sau 20 phút, đồng loạt các em có biểu hiện như trên. Một trong số 8 bệnh nhi được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc điều trị, số còn lại sức khỏe ổn định.

Mới đây, 11 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (gồm 10 em lớp 6 và 1 em học lớp 7) trên đường đi đến trường mua loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Khoảng 45 phút sau, các em mệt, đau đầu, buồn nôn.

Liên quan đến sự việc này, UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Công an phường phối hợp đội hình sự, đội ma tuý đến cửa hàng tại số 19/8 Quang Tiến kiểm tra, thu giữ 66 gói nilon màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, coca, ô mai; bên ngoài bao bì có nhãn hiệu nước ngoài. Công an phường Đại Mỗ đang chờ trưng cầu giám định.

ThS Vũ Thu Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) chia sẻ, rất nhiều học sinh được bố mẹ cho tiền để tự mua đồ ăn sáng hay ăn quà vặt, trong khi các em chưa đủ hiểu biết, kinh nghiệm để phân biệt được lợi, hại; hoặc dù đã được căn dặn thì cũng chưa đủ kỹ năng để vượt qua “cám dỗ” khi bạn bè đều ăn. Thậm chí, không loại trừ khả năng có cả chất gây nghiện được trộn vào các loại đồ uống, bánh kẹo.

Theo cô Trang, để hạn chế nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, các ngành chức năng cần hành động cương quyết hơn; thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng.

Có thể đưa ra những quyết định mang tính răn đe với những đối tượng bán hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, tác động tiêu cực đến sức khỏe của học sinh.

Với các bậc phụ huynh, ngoài dặn dò con tránh xa những món ăn vặt ngoài cổng trường thì cha mẹ cũng không nên nuông chiều và kiên quyết không cho con tiền tiêu vặt, không mua quà cho con ở cổng trường, tránh những hệ lụy xấu về sức khỏe cho con em mình.

Đồng thời, bố mẹ cũng nên giải thích cho các con hiểu về nguyên nhân, tác hại và hậu quả của những đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ để các con hiểu và hạn chế mua những thực phẩm này.

Các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa vào nội quy, quy định cấm học sinh mua đồ ăn trước cổng trường. Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát, nhắc nhở, phối hợp với các bậc phụ huynh để xử lý học sinh vi phạm.

Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm do quà vặt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cô Trần Phương Lan, giáo viên tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhấn mạnh: “Phụ huynh thu xếp cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong giờ nghỉ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường”.

Cô Nguyễn Kim Ngân, giáo viên ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, cùng với cơ quan chức năng và nhà trường, việc bảo vệ sức khỏe của học sinh hơn hết cần sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.

Không chỉ tăng cường trang bị kiến thức cho học sinh ở nhà trường, theo cô Ngân, phụ huynh cần có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe con cái, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

“Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh vì quá bận rộn mà còn thờ ơ với con cái. Có học sinh đến trường mà chưa kịp ăn sáng, chỉ kịp mang theo hộp sữa, cái bánh. Chừng đó không đủ dinh dưỡng cho hoạt động học tập, vui chơi của các con. Có cha mẹ đưa con đến trường mới vội vàng chọn một món đồ ăn bên ngoài mà không để ý có bảo đảm chất lượng, còn thời hạn sử dụng không?”, cô Ngân chia sẻ.

Trước thực trạng quà vặt cổng trường khiến học sinh bị ngộ độc, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD&ĐT, trường học, tăng cường bảo đảm an toàn công tác trường học, đẩy mạnh tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh tuyệt đối không mua các loại kẹo, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, phụ huynh học sinh cần để tâm tới lịch trình học tập, sinh hoạt tại trường của các con để phối hợp với nhà trường trường đảm bảo an ninh, an toàn.

TS Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam cho biết: đa phần những đồ ăn vặt ở cổng trường là sản xuất thủ công và không rõ nguồn gốc xuất xứ, chính vì vậy, nguy cơ ngộ độc là rất cao.

Thậm chí có nhiều loại ma túy trà trộn vào các loại đồ uống, bánh kẹo cho trẻ em và giới trẻ nên nhiều học sinh vô tình ăn phải. Vì thế, để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, các gia đình nên bố trí cho con ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ để con sử dụng trong những giờ nghỉ.

Ngoài ra, quan trọng hơn là việc giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường, kiểm soát các sản phầm bày bán bằng các test nhanh, kiểm tra xuất xứ, giấy chứng nhận của các sản phẩm này.

Hiện nay, các món quà vặt ngoài cổng trường gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Việc sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp có thể khiến trẻ mắc các bệnh mãn tính về gan, thận, thần kinh và gây ung thư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.