Nhắc tới tầng lớp thái giám trong xã hội phong kiến, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những nam hoạn quan vì nhiều lý do khác nhau mà phải trải qua quá trình tịnh thân đau đớn để nhập cung.
Thế nhưng sự thực là hậu cung Trung Hoa xưa cũng từng có sự xuất hiện của những nữ thái giám. Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, quá trình để biến một người phụ nữ bình thường trở thành thái giám còn đau đớn và rùng rợn hơn nhiều so với tưởng tượng của hậu thế.
Nữ thái giám - tầng lớp thiệt thòi hơn cả các nam hoạn quan trong cung đình
Trên thực tế, chế độ nữ quan đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Trung Hoa. Theo tài liệu trong "Chu lễ - Thiên quan" từng ghi lại, từ thời kỳ của Chu Vũ Vương, hậu cung đã tổng cộng 8 nữ quan chuyên phụ giúp Vương hậu xử lý các công việc hàng ngày và kèm theo viết một vài "nội lệnh".
Tuy nhiên điều đáng lưu ý nằm ở chỗ, vào giai đoạn này, các nữ quan vẫn chưa phải trải qua quá trình tịnh thân đau đớn để trở thành nữ thái giám.
Tới thời Xuân Thu – Chiến Quốc, số lượng nữ quan trong hậu cung ngày một gia tăng. Những công việc trong hậu cung mà họ phụ trách cũng ngày một nhiều.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đến thời của Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành, chế độ này đã phát sinh nhiều biến đổi.
Sử liệu ghi lại, Thác Bạt Hoành đã cố định hóa chức năng của tầng lớp nữ quan, để họ phụ trách quản lý các công việc ở hậu cung một cách chuyên nghiệp, đồng thời cũng tiến hành phân chia đẳng cấp để hệ thống chế độ của nhóm người này.
Khi nhà Tùy lên nắm quyền, nữ quan đã sở hữu chức năng tương đương với các nam thái giám nhưng vẫn có địa vị thấp hơn, mặc dù những công việc mà họ phụ trách có phần nhiều và vất vả hơn.
Cũng kể từ đây, nữ quan đã hoàn toàn trở thành tầng lớp được hậu thế biết tới với tên gọi là các "nữ thái giám".
Sự thật rùng rợn về quá trịnh "tịnh thân" của các nữ thái giám Trung Hoa xưa
Ảnh minh họa.
Theo sử liệu ghi lại, những người bị buộc phải trở thành "nữ thái giám" thường nhập cung thông qua hai con đường.
Nhóm thứ nhất là những người được triều đình chọn lọc. Ví dụ như vua Đường Huyền Tông năm xưa từng phái người ra ngoài dân gian chọn những cô gái có dung nhan đẹp và tư chất đoan chính, người xuất chúng thì trở thành phi tần, những người bình thường hơn thì làm nữ quan.
Nhóm thứ hai là những người bị "tịch biên và sung công" như những món hàng. "Cựu Đường thư" từng ghi lại, nhóm người này hầu hết là các cô gái đến từ những gia tộc phạm tội, bị đưa vào dịch đình và buộc phải trở thành nữ thái giám.
Vậy quá trình để biến một cô gái bình thường trở thành nữ thái giám diễn ra như thế nào?
Theo "Phụ nhân tập" ghi lại, trước khi chính thức nhập cung với tư cách nữ thái giám, những cô gái này đều phải đi dạo một vòng qua quỷ môn quan.
Theo đó, đầu tiên họ sẽ được uống một bát thuốc có công dụng gây mê rồi bị trói vào một cây cột. Tiếp đó, người phụ trách "tịnh thân" sẽ dùng chùy mềm đập vào phần bụng dưới của họ cho tới khi buồng trứng tụt ra ngoài, từ đó khiến những cô gái này mất đi năng lực sinh sản.
Miêu tả kỹ càng hơn về quá trình rùng rợn này, có tài liệu từng khẳng định quy trình tịnh thân của các nữ thái giám sẽ tiến hành theo 5 bước cụ thể:
Bước thứ nhất: Uống một chén ma thang có công dụng gây mê, giảm đau, sau đó buộc thân mình vào một cây cột.
Bước thứ hai: Người tịnh thân dùng một cây móc có kết cấu đặc biệt để đâm vào tử cung của cô gái rồi kéo buồng trứng ra ngoài âm đạo.
Bước thứ ba: Người tịnh thân dùng một loại dây được chế tạo từ gân của trâu, bò để buộc chặt ống nối của buồng trứng rồi cắt bỏ.
Bước thứ tư: Người tịnh thân dùng dao đã được khử trùng để cắt bỏ phần đầu ngực.
Bước thứ năm: Những cô gái sau khi đã thực hiện các bước trên sẽ được dùng thảo dược để cầm máu, tiêu viêm và băng bó vết thương.
Một số tài liệu dã sử còn đề cập tới các cách khác nhau nhằm thực hiện quá trình tịnh thân đối với phái nữ. Thế nhưng nhìn chung những phương pháp khiến họ mất đi năng lực mang thai này đều hết sức rủi ro và đau đớn.
Tuy nhiên theo nhận định của báo Phượng Hoàng (Ifeng), điều may mắn nằm ở chỗ, cổ nhân Trung Hoa xưa đối với quá trình tịnh thân của các nữ thái giám cũng yêu cầu không quá mức khắt khe như đối với các nam hoạn quan.
Nếu những cô gái này thức thời bỏ ra chút tiền bạc, quá trình đau đớn và rủi ro nói trên có thể được miễn hoặc tiến hành một cách qua loa chỉ để che mắt.
Trên thực tế, mục đích của quá trình tịnh thân đối với các nữ thái giám chủ yếu là để đánh vào phương diện tinh thần của họ.
Thứ mà giai cấp thống trị muốn lấy đi của những cô gái ấy không đơn thuần chỉ là khả năng sinh đẻ mà còn là tôn nghiêm, là linh hồn của họ, để rồi từ đó biến họ trở thành những công cụ vô tri vô giác và chỉ có thể hết lòng phục tùng mệnh lệnh của chủ nhân mà thôi…