Quả mặc nưa và bã cà phê: Chất màu thiên nhiên cho vóc dáng con người

GD&TĐ - Tách màu từ quả mặc nưa và bã cà phê, nhóm sinh viên Đại học Sài Gòn đã hoàn thiện quy trình nhuộm vải tơ tằm bền màu, an toàn.

Vải tơ tằm là chất liệu rất ăn ý với màu của các loại thảo mộc.
Vải tơ tằm là chất liệu rất ăn ý với màu của các loại thảo mộc.

Giúp người dân giữ nghề truyền thống

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất quy trình công nghệ nhuộm trên lụa tơ tằm bằng màu nhuộm từ trái mặc nưa và bã cà phê” do các sinh viên Lê Thị Kiều Diễm, Vũ Hoàng Nam, Khoa Khoa học Môi trường, Trường Đại học Sài Gòn thực hiện.

Kiều Diễm cho biết, hướng về vật liệu nhuộm tự nhiên cũng là cái duyên và trái mặc nưa được nhóm lựa chọn vì là nguyên liệu lâu đời của người dân Tân Châu, An Giang. Thời hưng thịnh nhất cả một vùng chuyên về dệt và nhuộm nay chỉ còn vài cơ sở nhỏ lẻ, việc nhuộm theo phương pháp truyền thống mất khá nhiều thời gian, công sức và kinh phí.

Nhóm nghiên cứu mong muốn một phần giúp đỡ người thợ giảm bớt khó khăn và thêm lợi nhuận để có thể tiếp tục bám nghề truyền thống mưu sinh. Nó cũng góp một phần nhỏ công sức giữ gìn nghề truyền thống.

“Ngoài quả mặc nưa, nhóm chọn thêm bã cà phê làm nguyên liệu vì khả năng bám màu tốt của nó. Trong bã cà phê còn có một số chất giúp bảo vệ da, chống tia UV”, Lê Thị Kiều Diễm chia sẻ.

Vải tơ tằm là chất liệu rất khó bám màu. Sử dụng phương pháp nhuộm màu công nghiệp có thể khắc phục được, nhưng lại không phù hợp. Nhuộm vải tơ tằm theo cách truyền thống mất khá nhiều thời gian (mất khoảng 3,5 tháng với khoảng 90 - 100 lần nhuộm). Nhu cầu có phẩm màu nhuộm an toàn, giá rẻ, phát huy nghề nhuộm khá cao, song ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu.

Để chiết xuất màu nhuộm từ quả mặc nưa, nhóm cắt nhỏ nguyên liệu, cho vào túi vải lọc rồi đưa vào dung môi là nước cồn, dầu hỏa, ester lỏng. Ở 80 độ C, chất màu trong nguyên liệu sẽ hòa tan với dung môi rồi đưa xuống bình chứa. Hệ thống chưng cất này tương tự như hệ thống nấu rượu truyền thống.

Thành phẩm là dung dịch dạng sệt sẽ được sấy khô ở nhiệt độ 80 - 85 độ C trong 4 giờ, sau đó nghiền nhỏ là hoàn thiện. Đối với bã cà phê, quy trình được thực hiện tương tự, chỉ khác thời gian kéo dài hơn và nhiệt độ chưng cất thấp hơn, khoảng 75 độ C trong 6 giờ.

Để kiểm tra độ bền màu, nhóm thực hiện thí nghiệm với chất tẩy rửa thông thường là nước giặt. Kết quả cho thấy, nếu thuốc nhuộm màu hóa học, vải sẽ bay màu sau 100 lần giặt thì sản phẩm màu nhuộm từ mặc nưa và bã cà phê đạt 80 lần. Sản phẩm nhuộm vải này làm cho sợi tơ tằm trở nên cứng hơn, không bị thô, đem lại cho người mặc sự mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Màu sắc vải nhuộm là một trong những thách thức của nhóm. Hiện, nhóm đã chế tạo được sản phẩm nhuộm màu đen và màu nâu. Sắp tới nhóm sẽ cho ra màu vàng đậm và màu đỏ.

Ngoài vải tơ tằm, có thể nhuộm cho các loại vải như coton, sợi xelulozo các loại vải có nguồn gốc tự nhiên… Giá thành phẩm màu khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg. Bột phẩm màu nhuộm dạng bột mịn có thể bảo quản từ 6 tháng đến 1 năm.

Làm thuốc nhuộm tóc

Quả mặc nưa và bã cà phê: Chất màu thiên nhiên cho vóc dáng con người ảnh 1

PGS.TS Bùi Mạnh Hà (Đại học Sài Gòn) là người hướng dẫn nhóm nghiên cứu. Ông cho rằng, đây là một đề tài mất nhiều công sức nhưng rất có ý nghĩa, nghiên cứu không chỉ đơn thuần về kỹ thuật tạo ra các sản phẩm màu nhuộm tự nhiên thân thiện, giảm bớt khó khăn cho các thợ nhuộm, mà còn là một hình thức bảo tồn văn hóa.

Hiện nay, số hộ dân trực tiếp nhuộm rất ít và trong tương lai gần nếu không có chuyển biến, có thể sẽ không còn xưởng và làng nghề này. Nếu đề tài thành công có thể phần nào giúp người dân quay lại với nghề, nhờ đó làng nghề được bảo tồn.

Ngoài ra, nhuộm trái mặc nưa còn rất nhiều tiềm năng trong y dược, mỹ phẩm có thể phát triển sản phẩm kết hợp với du lịch để ổn định cuộc sống.

Sinh viên Lê Thị Kiều Diễm chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới của nhóm là sẽ tạo ra thuốc nhuộm tóc hữu cơ từ quả mặc nưa và bã cà phê. Trước mắt, nhóm nghiên cứu sẽ vẫn tiếp tục tìm tài trợ hoặc tự bỏ tiền thực hiện các công việc này theo hướng hoàn thiện sản phẩm cho người dân cũng như nghiên cứu các ứng dụng khác của mặc nưa.

Mong muốn lớn nhất của nhóm là có thể đưa vào quy trình và sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương cũng như mang sản phẩm đến tận tay khách hàng có nhu cầu.

Cũng theo tìm hiểu của Kiều Diễm, ở Việt Nam nhóm được biết có Giáo sư Hoàng Thị Lĩnh và cộng sự đã từng nghiên cứu về màu nhuộm từ bã cà phê. Còn về trái mặc nưa ở Việt Nam chưa tìm thấy tài liệu nào ghi nhận.

Đề tài nếu được triển khai rộng rãi sẽ hạn chế được lượng rác thải ra ngoài môi trường, mang lại giá trị kinh tế cho bã cà phê. Góp phần gìn giữ ngành nghề truyền thống, tạo thêm điều kiện việc làm cho người dân ở vùng Tân Châu và các vùng lân cận.

Đề tài của nhóm đã lọt vào một trong 70 ý tưởng xuất sắc nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” toàn quốc năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ