“Hương lụa” và cuộc chơi trên chất liệu tơ tằm Việt

GD&TĐ - Tranh lụa là một chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam với độ mỏng manh, e ấp và kén người vẽ vì sự tinh tế, dịu dàng.

Sau triển lãm mang tên “Lụa của Hương” diễn ra vào cuối 2019, họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Hương đã nhận về nhiều tín hiệu tích cực. Các chuyên gia thẩm định, nhà sưu tầm và công chúng yêu nghệ thuật cho rằng, Hương có cách thể hiện trong trẻo, thuần khiết nhưng đầy nội lực.

“Hương lụa” khai mạc 7/5 tại Huyền Art House lại đem đến một góc nhìn khác – một cuộc chơi của họa sĩ trên chất liệu truyền thống đầy mê đắm và gây rung động mạnh.

Lựa chọn lụa Việt

Vẽ trên lụa đòi hỏi sự nhẫn nại, tinh tế - Nguyễn Thu Hương đã chọn lụa truyền thống để thực hiện điều đó.

Vẽ trên lụa đòi hỏi sự nhẫn nại, tinh tế - Nguyễn Thu Hương đã chọn lụa truyền thống để thực hiện điều đó.

Tranh lụa là một ngôn ngữ hội họa “lạ nhưng không mới” bởi xuất phát điểm của chất liệu này có trước sự ra đời của tranh sơn dầu khá lâu. Tuy nhiên, do độ khó của việc thực hiện và đòi hỏi sự nhẫn nại của người họa sĩ mà hiện nay, còn rất ít nghệ sĩ lựa chọn gắn bó với lụa.

Nhưng lụa luôn là một chất liệu đặc biệt truyền thống, chứa đựng bí ẩn phương Đông, và gắn liền với tính cách con người cũng như triết lý sống. Bản thân đời sống của tranh lụa cũng có nhiều đoạn trường thăng trầm khó nói. Từ những bức tranh lụa nổi tiếng của danh họa Nguyễn Phan Chánh, đến nay hình như lụa đang mất dần vị thế và chưa thể về lại vị trí thời hoàng kim.

Việc ra mắt triển lãm “Hương lụa” của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Hương như một dấu chỉ báo trước sự hồi sinh của lụa trong nhịp sống của mỹ thuật đương đại. Lần theo những bức tranh đẹp, ý thức thẩm mỹ cao, chúng ta có thể tìm thấy một câu chuyện hay, một cuộc chơi kỳ thú của nghệ thuật.

Sau quá trình sáng tạo với sơn dầu và sơn mài, Thu Hương nhận ra lụa mới thực hợp với mình. Cô đã rất cầu kỳ trong việc lựa chọn chất liệu, đi vào thử nghiệm và đưa ra đánh giá khách quan về lụa tơ tằm.

Lụa làng Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội) sau thời gian phát triển cực thịnh, thì hiện nay đã đến lúc thoái trào. Làng Vạn Phúc nay không còn nhiều người gắn bó với nghề dệt lụa. Lớp nghệ nhân già đầy kinh nghiệm rời bỏ “cõi tạm” mà không truyền lại nhiều bí quyết. Lớp trẻ lại thờ ơ, rồi trong “cơn bão” hội nhập, lụa trở nên bão hòa.

Nhiều cửa hàng lụa ở Vạn Phúc chưa hẳn đã có lụa truyền thống, mà phần nhiều là lụa Trung Quốc. Giá rẻ chỉ bằng một phần mười so với lụa trong nước, nên sự lựa chọn tự nhiên của thị trường sử dụng tơ nhân tạo hoặc tơ đan xen giữa sợi nhân tạo và tơ tự nhiên là điều không tránh khỏi.

Tiếc nuối những làng nghề dệt lụa có thể đi vào dĩ vãng như Vạn Phúc, họa sĩ Thu Hương lặn lội về làng Quan Phố (Duy Tiên - Hà Nam) để tìm mua lụa Việt. Cô lựa chọn chỉ vẽ trên lụa tơ tằm tự nhiên hoàn toàn.

Bên cạnh việc kén chọn những tấm lụa để vẽ, các tác phẩm hội họa tranh lụa của Thu Hương được giới phê bình đánh giá cao, khi cô thổi hơi thở đương đại vào chất liệu truyền thồng. Đó là tính trang trí trong các tác phẩm được Thu Hương lưu tâm phân bố giữa các mảng hình, màu, nét và khoảng trống. Tranh của Hương mang vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm.

Lụa – phụ nữ và sự rung động

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Hương.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thu Hương.

Họa sĩ Thu Hương nói rằng: “Tôi vẫn giữ lối vẽ truyền thống, sử dụng màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một màu mới. Thỉnh thoảng tôi cũng làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh. Lụa tôi vẽ là chất liệu lụa tơ tằm 100% của Việt Nam, được dệt thủ công từ những người thợ lâu năm. Trong con kén, lớp ngoài cùng gọi là sồi, lớp giữa là lớp tơ nõn mới chuẩn lụa dệt để vẽ”.

Từ Hà Nội, Thu Hương vào TPHCM trưng bày 28 bức tranh lụa, gồm 23 bức từ triển lãm “Lụa của Hương” hồi cuối năm 2019, và 5 bức mới vẽ trong vòng hơn 1 năm qua.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận xét, bên cạnh tinh thần lãng mạn, Nguyễn Thu Hương còn tạo được độ rung với các phong cách khác như lập thể, trừu tượng, biểu tượng. Một số tác phẩm mạnh về trang trí đầy chủ ý, đôi khi lấn lướt cả chủ thể để bày tỏ một cách nhìn, một ý tưởng.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương bày tỏ: “Tôi thích vẽ trên chất liệu tơ tằm của miền Bắc dù việc nuôi tằm không thuận lợi như ở miền Nam. Mới đây ở Việt Nam có tơ sen và tôi sẽ thử trên chất liệu này”.

Yêu lụa, thích vẽ trên lụa truyền thống, Thu Hương đã thể hiện sự tương phản về màu giữa tối và sáng, bóng và hình một cách rất chín chắn. Các đường nét, hình khối từ sự tương phản được khai thác và thể hiện đầy tinh tế.

Nhìn tranh lụa của Hương, người xem có cảm giác “đã mắt” nhưng không chán. Cảm thấy có một điều gì đó rất bí ẩn mà họa sĩ đang “nửa kín nửa hở” bày tỏ trên những đường nét mượt mà.

Có thể đó là một cuộc đối thoại, hay chính xác hơn là một cuộc chơi của nữ nghệ sĩ am hiểu lụa – yêu lụa và biết tâm tình với lụa truyền thống. Chính cách tiếp cận này đã mang đến hơi thở vừa hiện đại lại lãng mạn trong “Hương lụa” của Nguyễn Thu Hương.

Trong triển lãm này, họa sĩ Thu Hương cũng mang đến một bức tranh ghép với bốn bức bằng lụa vàng (70cm x 40cm). Cô hi vọng lụa vàng từ tơ con kén vàng sẽ mang đến hiệu ứng thị giác khác biệt cho người thưởng lãm.

“Trang trí vừa là đặc trưng, vừa là thách thức với Nguyễn Thu Hương trong các chặng đường lụa sắp tới. Trước bối cảnh Việt Nam còn khá ít triển lãm cá nhân về tranh lụa, những tìm tòi của họa sĩ Thu Hương có thể sẽ góp một phần nhỏ vào hi vọng chung trong việc canh tân tranh lụa Việt Nam" -  Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.