Bồn chứa LNG được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, dạng “Full Containment” có cấu tạo bằng thép chịu nhiệt độ thấp, có lớp cách nhiệt và gia cường vỏ bồn bằng bê tông dự ứng lực. Trong đó, mái bồn là kết cấu thép có trọng lượng 900 tấn, được thi công trước ở đáy bồn và dùng kỹ thuật “air lifting” nâng mái bồn lên đỉnh bồn và hàn liên kết với thành bồn.
Kho chứa LNG Thị Vải 1 triệu tấn đã được hoàn thiện công đoạn nâng mái. |
Dự án kho chứa LNG Thị Vải 1 triệu tấn, được khởi công từ tháng 10/2019, đến nay Dự án đã hoàn thành cơ bản phần vỏ bồn bê tông, những công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ thuật thi công tiên tiến và cẩn trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 theo tiến độ đã đề ra.
Được thiết kế và thi công với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, bởi các nhà thầu có kinh nghiệm hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc, Kho cảng LNG Thị Vải sẽ trở thành công trình hiện đại nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực này, mang lại nguồn năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Dự án LNG tại Thị Vải của PV GAS được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư nhằm cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch và các hộ tiêu thụ khác ở khu vực Đông Nam bộ.
Thực hiện sứ mệnh tiên phong với mục tiêu đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), cùng với các đơn vị thành viên Petrovietnam đã và đang tích cực triển khai chuỗi các dự án khí - điện sử dụng khí LNG nhập khẩu theo “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đứng trước những yêu cầu đặt ra về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của PV GAS, PV Power, Petrovietnam và Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 212/TTg-CN ngày 13/2/2017 trong đó quy hoạch Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 sử dụng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) từ Kho cảng Thị Vải và Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 4/01/2019 xác định nguyên tắc giá khí chuyển ngang và bao tiêu sản lượng.
Đây là những quyết định, chỉ đạo quan trọng, làm cơ sở cho PV GAS triển khai Dự án Kho chứa LNG 1 MMTPA (1 triệu tấn) tại Thị Vải và PV Power triển khai Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.
Tổng giám đốc và Ban Lãnh đạo PV GAS luôn theo sát công trình, chỉ đạo giữ vững tiến độ, chất lượng, an toàn của công trình. |
Phát biểu khai mạc Lễ Khởi công Dự án Kho chứa LNG Thị Vải, ông Dương Mạnh Sơn - Tổng Giám đốc PV GAS đã cho biết: Chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải – Nhơn Trạch bao gồm Dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải và Dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 & 4.
Trong đó, Dự án kho cảng LNG Thị Vải do PV GAS làm chủ đầu tư với công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Kho cảng LNG Thị Vải có khả năng tiếp nhận được tàu vận chuyển LNG trọng tải lên đến 85.000 tấn hàng, với các hạng mục chính của Giai đoạn 1 gồm bồn chứa LNG sức chứa 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ được thiết kế theo các phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế…
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 285 triệu USD; sau khi hoàn thành vào năm 2022 sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ gồm: nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, các khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022.
Ngoài việc mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, quan trọng hơn, sự xuất hiện của Kho cảng LNG Thị Vải và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho khu vực công nghiệp đang ngày càng cấp thiết tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Lần đầu tiên Việt Nam có nhà máy điện sử dụng LNG và PV GAS được đánh giá cao khi được lựa chọn là nhà cung cấp LNG – nguồn năng lượng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Kho cảng LNG Thị Vải sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa cho các hộ tiêu thụ khí, trong đó có chuỗi nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4.
Cùng với kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến khi hoàn thành lên đến 10 triệu tấn LNG/năm, nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam Bộ trong tương lai về cơ bản sẽ được đảm bảo.