'Xuất khẩu' lao động: Kỳ vọng cán đích

GD&TĐ - Nhật Bản, Hàn Quốc... đã thu hút hơn 65 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc trong nửa đầu năm 2024.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 người.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 người.

Điều này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đồng thời khẳng định Việt Nam đang thực hiện hiệu quả các chương trình xuất khẩu lao động.

Cải thiện đời sống dân sinh

Nửa đầu năm 2024 khép lại với một trong những điểm sáng đáng ghi nhận, trong đó có công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Kết quả đạt được là sự phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 5 tháng đầu năm 2024, hơn 65 nghìn lao động Việt Nam đã đi làm việc tại nước ngoài.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 người (trong đó có hơn 19 nghìn lao động nữ) đạt 52,68% kế hoạch năm 2024.

Với mục tiêu đặt ra trong năm nay là đưa khoảng 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì các tháng đầu năm kết quả đã đạt tỉ lệ vượt mức.

Người lao động được phân bổ tại các thị trường lao động lớn trên thế giới, đặc biệt tập trung tại một số thị trường lớn như: Nhật Bản có 35.208 người; Đài Loan (Trung Quốc) với 21.602 người; Hàn Quốc tiếp nhận 5.209 người. Số lao động còn lại rải rác ở các thị trường khác như châu Âu, Malaysia, các nước Trung Đông…

Chị Nguyễn Thị Thu (29 tuổi, quê Gia Lai) sang Đài Loan làm việc dưới hình thức xuất khẩu lao động đã hơn 4 năm nay. Chị Thu chia sẻ, trước đây gia đình vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cà phê, do sâu bệnh và thời tiết khô hạn kéo dài, vườn cà phê nhà chị liên tiếp bị mất mùa.

Điều này khiến gia đình chị Thu rơi vào tình cảnh kinh tế khó khăn, nợ nần. Vì vậy, chị Thu và em gái là Nguyễn Thị Thoan (25 tuổi) quyết định đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền trả nợ giúp bố mẹ.

“Ban đầu bố tôi khá lo lắng về thủ tục và giấy tờ vì gia đình đã có một khoản vay ngân hàng, song chuyện đó không ảnh hưởng gì. Cả hai chị em tôi gặp thuận lợi khi làm thủ tục sang Đài Loan và đều làm trong lĩnh vực dây chuyền sản xuất. Chúng tôi được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm như người lao động bản địa. Mức lương của tôi hiện nay là 2,2 triệu won/tháng (tương đương khoảng 40 triệu đồng), chưa kể tiền lương làm thêm giờ. Tằn tiện tích cóp, tôi và em gái đã giúp gia đình trả được nợ và có khoản tích luỹ riêng”, chị Thu chia sẻ.

Ông Ngô Văn Phùng (50 tuổi, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) đang hoàn tất hồ sơ cho con trai lên TPHCM để học ngoại ngữ trước khi sang Nhật Bản. Ông Phùng cho biết, trong xóm nhà ông có rất nhiều gia đình đầu tư cho con em đi lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vì mức lương tại nước ngoài rất hấp dẫn.

“Có những nhà chỉ một người đi lao động ở nước ngoài mà gửi tiền về nuôi được cả ba đứa em ăn học. Không chỉ người trẻ mà cả những người đã 30 - 40 tuổi rồi vẫn có thể đi xuất khẩu lao động, miễn đủ sức khoẻ đáp ứng công việc”, ông Phùng cho hay.

Thực tế, người lao động đi làm việc tại nước ngoài có thu nhập cao hơn so với làm cùng công việc đó ở trong nước. Thu nhập của các lao động xuất khẩu đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước đồng thời tăng tích luỹ, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình họ.

Đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng

Từ đầu năm tới nay, nhiều chương trình xúc tiến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đã được triển khai.

Vào tháng 3/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc ngành nông nghiệp tại Australia. Theo đó, hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM, dự kiến bắt đầu trong năm 2024.

Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa sáu doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ này là dấu mốc quan trọng của Bộ LĐ-TB&XH trong hợp tác lao động Việt Nam - Australia.

Cũng trong tháng 6, tại Hà Nội, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã ký thỏa thuận với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) về việc cung ứng thực tập kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.

Người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka đài thọ các chi phí. Đó là: Toàn bộ chi phí học tiếng Nhật tại Việt Nam (từ 8 - 11 tháng để đạt trình độ tiếng Nhật N4), lệ phí thi chứng chỉ tiếng Nhật (1 lần), lệ phí xin thị thực, chi phí khám sức khỏe (2 lần), vé máy bay (xuất cảnh và về nước khi hoàn thành hợp đồng).

Người lao động khi sang thực tập tại Nhật Bản được bố trí thực tập tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Hiệp hội hoặc các bệnh viện là đối tác của Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka.

Tại đây, người lao động được thực tập trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Họ được hưởng mức lương tương đương với mức lương cơ bản của người Nhật làm cùng vị trí, khoảng 36 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ. Ngoài ra, các lao động đều được hưởng phúc lợi xã hội, tham gia các loại hình bảo hiểm theo quy định của pháp luật Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.