Trong đó nhu cầu tập trung nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật và một số nước châu Âu… Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang trong tình trạng cạn nguồn tuyển dụng lao động.
Kiếm nguồn tuyển dụng
Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2024 là 35.933 người, đạt 28,74% kế hoạch năm 2024.
Nhật Bản vẫn đang là thị trường đứng số 1 khi tiếp nhận được 23.364 lao động, tiếp đến là Đài Loan với 9.781 lao động, Hàn Quốc hơn 700 lao động. Các thị trường còn lại như Trung Quốc, Singapore, Ả-rập Xê-út, Macao… chỉ dừng lại ở con số từ 100 đến 300 lao động.
Như vậy, mặc dù vẫn đạt được chỉ tiêu đặt ra, song, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chia sẻ rằng, thực tế việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài đang không hề dễ dàng; nguồn cung lao động ngày càng khan hiếm, đặc biệt lao động có tay nghề.
Bà Phạm Kim Hoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực Hawal cho biết, nếu như trước đây, lao động thường chủ động tìm đến doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm hiểu các khóa học, các thủ tục để được đi ra nước ngoài làm việc nhanh nhất có thể, thì ngày nay, doanh nghiệp tìm mọi cách tiếp cận tư vấn và đào tạo, lao động vẫn không “mặn mà”.
Bà Hoa lấy ví dụ, có những ngành nghề tuyển không được lao động. Điển hình là các đơn hàng lao động thợ cơ khí. Vừa rồi, có doanh nghiệp Nhật cần gần 20 nhân sự, thì công ty chỉ tuyển được 5 người. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải hạ tiêu chuẩn, chấp nhận tuyển lao động lớn tuổi hơn nhưng vẫn không đủ số lượng người tham gia.
Tương tự, ông Trần Đình Quảng, Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực Thiên Tôn cho biết, công ty ông hiện có những đơn hàng từ thị trường châu Âu với chính sách rất hấp dẫn nhưng đến nay, công ty vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Thậm chí có những đơn hàng cần người đến mức họ nhận cả lao động trên 40 tuổi, mà việc tìm người vẫn rất khó khăn.
Nói về khó khăn trong việc khan hiếm nguồn cung này, ông Quảng lý giải, ở những nước phát triển đang cần rất nhiều lao động nhưng họ cũng yêu cầu về tay nghề và tiếng. Trong khi đó, nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn này. Ngoài ra, theo ông Quảng, tâm lý người lao động muốn ra nước ngoài làm việc, phần lớn không muốn đầu tư học dài hạn, đặc biệt là việc học tiếng.
“Cũng có nhiều nguyên nhân khách quan khác như, sau dịch Covid-19, một số thị trường xuất khẩu lao động có chững lại, do người lao động vẫn mang tâm lý lo sợ. Hay như Nhật Bản đang là thị trường số 1, nhưng gần đây đồng yên xuống giá nên người lao động cũng không ưu ái với thị trường Nhật như trước đây nữa. Nhiều lao động chuyển dần sự ưa thích sang các thị trường châu Âu. Tuy nhiên, ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn, khi lao động rất “ngại” học tiếng”, Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực Thiên Tôn thông tin.
Ảnh minh họa ITN. |
Tâm lý e ngại
Hiện nay, phần lớn các gia đình mong muốn con cái làm việc gần nhà hoặc một số tỉnh, thành phố lân cận. Việc phải xuất ngoại trong nhiều năm theo đúng hợp đồng mới được trở về nước khiến người lao động cân nhắc rất nhiều.
Anh Hoàng Thanh (huyện Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi chọn công việc hàn tiện theo đơn hàng đi Nhật Bản. Khi đã tìm hiểu, chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng, thì mẹ tôi không đồng ý. Bởi mẹ lo lắng việc tôi xa nhà quá lâu, không ai phụ giúp chăm sóc bà nội mỗi khi đau bệnh”.
Những trường hợp khác, nỗi sợ không đến từ việc rời xa gia đình, mà là tâm lý mặc cảm về trình độ học vấn, tuổi tác, e ngại không thể hòa nhập, đáp ứng tốt yêu cầu công việc đất nước sở tại.
Anh N.T.B. (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, anh đã ngoài 30 tuổi nhưng hiện tại trình độ học vấn mới chỉ ở lớp 9 vẫn đang có thể đáp ứng yêu cầu đi Nhật. Anh B. đã tham khảo đơn hàng làm nông nghiệp, mong học hỏi cách làm của người Nhật, về ứng dụng làm lúa ở quê nhà.
Thế nhưng, anh B. vẫn tự ti do mình đã lớn tuổi, không thể tiếp thu được tiếng Nhật và văn hóa của họ trong 3 năm bên đó. Rồi còn phải vay tiền ngân hàng, cùng với bao nhiêu nỗi lo phía trước đã làm anh B. thay đổi quyết định.
Bà Trần Phương Trang, đại diện Công ty TNHH nhân lực Trang Hoàng cho biết: “Lượng đơn hàng tuyển dụng đang giảm chút ít, do Nhật Bản mở rộng tuyển dụng sang các nước Đông Nam Á khác, nhưng vẫn còn cơ hội việc làm cho lao động ở một số ngành nghề, như: Phục vụ tại nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, nhà xưởng… thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/tháng.
Trong khi tổng mức phí cho phỏng vấn, đào tạo, thủ tục xuất cảnh hiện nay chỉ từ 110 - 120 triệu đồng, tùy theo đơn hàng. Với sự hỗ trợ từ địa phương, lao động vẫn có thể đi được các đơn hàng sang Nhật Bản hoặc một số nước lân cận”.
“Đi xuất khẩu lao động không quá khó, có thể mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Nhiều trường hợp, sau 3 năm, người lao động tiếp tục gia hạn hợp đồng hoặc trở về nước tự kinh doanh, khởi nghiệp. Điều quan trọng, nếu đã mong muốn đi làm việc nước ngoài, người lao động cần mạnh dạn liên hệ đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động hoặc cán bộ địa phương, để được tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời. Từ đó, yên tâm lựa chọn con đường phù hợp”, bà Trang nhấn mạnh.
Bà Trang cũng cho biết, đơn vị đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất với nhiều máy móc công nghệ chất lượng cao, thiết lập chương trình đào tạo khoa học, xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp nhằm tạo ra môi trường đào tạo tốt nhất để thực tập sinh có thể phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, đạo đức, tay nghề trước khi ra nước ngoài làm việc.
Thậm chí, doanh nghiệp luôn đảm bảo hỗ trợ các dịch vụ trước, trong, sau khi người lao động ra nước ngoài. Từ việc đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn về văn hóa nước bạn và giới thiệu việc làm sau khi thực tập sinh về nước…