Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

GD&TĐ - Sen vừa mang lại giá trị kinh tế, tâm linh, tôn giáo và cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành.

Khách mời thưởng thức các loại trà, món ăn làm từ sen.
Khách mời thưởng thức các loại trà, món ăn làm từ sen.

Chiều 12/7 tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Viện nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp & PTNT) tổ chức hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết, hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị: có giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng rất cao, hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may và đem lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.

Những sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất và sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.

Ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...

cf2f36849700355e6c11.jpg
Các món ăn làm từ sen.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội nhấn mạnh mong muốn tập trung vào báo cáo và thảo luận 1 số nội dung chính như: Đánh giá thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội; bảo tồn phát triển sen Tây Hồ trong hệ sinh thái sen Việt Nam; Kinh nghiệm khai thác giá trị kinh tế sen gắn với văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố; Thúc đẩy phát triển các làng nghề có sản phẩm từ sen; và trao đổi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm từ sen của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm.

Nghệ nhân Lưu Thị Hiền (Trà sen Hiền Xiêm) cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, những người dân trực tiếp làm nghề truyền thống tại địa phương mong muốn tiếp tục được tham gia trồng sen Bách Diệp tại tất cả các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, tiếp tục được các lãnh đạo quan tâm hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật và được phổ biến những kinh nghiệm, những công nghệ mới tiên tiến trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen.

a1f757a3f62754790d36.jpg
Một số các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao được trưng bày tại Hội Thảo.

Nói về sự phát triển ngành tơ sen góp phần bảo tồn và phát triển giá trị cây sen Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, giám đốc công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho hay, từ ngàn đời nay, cây sen và hoa sen đã ăn sâu vào tâm trí, cuộc sống và tồn tại trong lòng của mỗi người dân đất Việt, một biểu tượng của sự linh thiêng, trường tồn và luôn được trân trọng. Hình ảnh của cây sen, hoa sen được kết hợp với hình ảnh của những chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam và luôn được phụ nữ khắp năm châu ngưỡng mộ và trân quý.

d2bd84ea256e8730de7f.jpg
Bà Thuận cho rằng đây là một nghề mới tạo ra 1 sản phẩm tơ sen có giá trị kinh tế rất cao, quy trình sản xuất được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, thu gom rác thải, xử lý triệt để; rất thân thiện môi trường, và tạo cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững góp phần bảo tồn và phát triển cây sen Việt Nam.

Xuyên suốt Hội thảo, các khách mời tham dự cùng chia sẻ, đưa ra những quan điểm cá nhân nói về vẻ đẹp của hoa sen và công dụng của sen để cùng chung mục đích bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Nga triển khai UAV.

Trang bị 1.400.000 UAV trong năm 2024

GD&TĐ - Nga đã cung cấp 140.000 máy bay không người lái (UAV) cho quân đội năm 2023 và có kế hoạch tăng số lượng lên gấp 10 lần trong năm 2024.

Minh họa/INT

Chỉ sợ lở núi

GD&TĐ - Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần.