Đây cũng là lễ hội được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa phục vụ phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội sen
Với chủ đề “Sắc sen Hà Nội”, lễ hội sen Hà Nội lần đầu tiên tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 12 - 16/7 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ. Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ.
Theo UBND quận Tây Hồ, lễ hội sen Hà Nội không chỉ nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa Hà Nội mà còn nêu bật giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cùng những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống của người Việt Nam.
Dự kiến lễ hội sẽ có khu trưng bày không gian giới thiệu, trình diễn sản phẩm liên quan đến sen như hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen; các sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội.
Sen hồ Tây hay còn gọi là sen Bách diệp, được trồng ở các hồ nhỏ quanh hồ Tây. Đây là loại sen đặc biệt, có tới 100 cánh hoa kép, màu hồng, hương thơm lâu, gạo sen to và căng mọng.
Giống sen này thường được dùng ướp trà. Dù Việt Nam có nhiều sen nhưng có một điều chắc chắn, không nơi đâu được đắm mình trong hương sen dịu ngọt, tinh tế cho bằng hồ Tây.
Tuy nhiên từ năm 2018, do sự thay đổi của thời tiết và chất lượng nước đã khiến diện tích trồng sen để làm nguyên liệu cho nghề ướp chè sen bị thu hẹp. Bởi vậy, lễ hội cũng nhằm tạo cảm hứng cho đề án khôi phục và phát triển cây sen tại một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây.
Để khôi phục và phát triển nghề trồng sen, quận Tây Hồ cũng thực hiện dự án xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái, trồng sen chất lượng cao trên diện tích là 7,5ha tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ (phường Quảng An) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân).
Theo ban tổ chức, lễ hội là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, kích cầu du lịch.
Bởi vậy, trong khuôn khổ lễ hội sẽ có nhiều sự kiện đặc sắc liên quan, như: Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”; Ngày hội đạp xe hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với sự tham gia của 7000 người đạp xe quanh hồ Tây; Chương trình “Sen kết nối yêu thương”…
Ngoài ra cũng có các hoạt động nghệ thuật, như: Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen; Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; Trải nghiệm về sen qua tranh, ảnh, sơn mài, vải, thơ ca cùng hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người thành công với các sản phẩm dệt từ tơ sen. |
“Đấy vàng, đây cũng đồng đen”
Trước sự phát triển rất nhanh của thế giới, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam - đặc biệt Hà Nội được coi là “đầu tàu” nên cần có giải pháp cụ thể, nhằm phát triển đúng hướng và bền vững. Một trong các giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị là kết hợp “sóng đôi” cùng mạng lưới thành phố sáng tạo.
Năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Để xứng đáng với danh hiệu, trong hơn 5 năm qua Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, triển lãm thành tựu xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Lễ hội sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức nằm trong chiến lược phát triển văn hóa, mở ra nhiều cơ hội quảng bá du lịch và các sản phẩm sáng tạo từ sen. Đây có thể là một tiền đề tốt không chỉ để quảng bá hình ảnh Hà Nội, mà còn góp phần thúc đẩy các sản phẩm từ sen phát triển mạnh ra thế giới.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Quốc Khánh, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên có tơ sen chứ không phải Myanmar. Đến nay, Bộ VH,TT&DL là đơn vị chủ trì xây dựng đề án “Quốc hoa Việt Nam”. Tuy chưa có một công bố chính thức, song hoa sen vẫn luôn là biểu tượng bởi ngoài ý nghĩa văn hoá, tín ngưỡng thì còn những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống sinh hoạt của người Việt.
Bởi vậy, nếu như cây sen được xem là tài nguyên di sản thì việc phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên này, chính là cánh cửa bền vững để biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa, và nghề thủ công mỹ nghệ: Dệt tơ sen và ướp trà sen.
Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, người nổi tiếng với sáng kiến về quy trình làm tơ sen, để sản xuất được ra sợi tơ dệt vải và làm thành sản phẩm thời trang cần đến gần 20 công đoạn làm thủ công tỉ mỉ trong thời gian 30 ngày.
Tuy mất nhiều công sức và thời gian, nhưng bù lại mỗi mét tơ sen lên đến hơn 1.000 đô la Mỹ. Giá thành tuy cao nhưng người nước ngoài rất ưa chuộng, và hiện sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó.
Cũng từ sen, từ xa xưa người Hà Nội đã hình thành nghệ thuật ướp trà sen để làm thành “thiên cổ đệ nhất trà”. Mỗi kg trà ướp sen theo cách truyền thống cần tới 1000 - 1400 bông sen với nhiều công đoạn tỉ mỉ, để cuối cùng giá trà sen thượng hạng lên tới 7 - 10 triệu đồng/kg, đúng với câu ca: “Đấy vàng, đây cũng đồng đen/Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”.
Lễ hội sen Hà Nội được tổ chức trong khi các dự án phục hồi sen Tây Hồ đang tiến hành, không chỉ là một tín hiệu vui trong việc bảo tồn giống sen quý, mà còn thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm của những người có trách nhiệm trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với danh hiệu Thành phố sáng tạo.
“Với Lễ hội Sen được tổ chức quy mô, bài bản chắc chắn sẽ làm tốt việc quảng bá hình ảnh cây sen Hà Nội ra với bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Nâng tầm cây sen Hà Nội trong đời sống hôm nay cũng là mong mỏi của những nghệ nhân cả đời đau đáu với cây sen, với các sản phẩm độc đáo từ sen” - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến