Bệnh nam giới hay mắc trong thời tiết lạnh

GD&TĐ - Nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp.

Xoắn tinh hoàn gây tắc nghẽn hệ thống mạch máu của tinh hoàn (động mạch và tĩnh mạch). Ảnh minh họa.
Xoắn tinh hoàn gây tắc nghẽn hệ thống mạch máu của tinh hoàn (động mạch và tĩnh mạch). Ảnh minh họa.

Cụ thể, điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu (Cremasteric). Từ đó, dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.

Thời gian “vàng” để can thiệp

Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa cho biết, chỉ trong vòng một tuần sau khi trời trở rét, đơn vị này đã tiếp nhận 3 bệnh nhân, tuổi từ 13 - 18, đến khám vì đau tinh hoàn.

Cả 3 bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, các bác sĩ đã rất tiếc nuối khi cả 3 trường hợp đều tới muộn, dẫn tới tinh hoàn bị hoại tử nên bác sĩ đã phải cắt bỏ.

Xoắn tinh hoàn (còn gọi là xoắn thừng tinh) là hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó. Hiện tượng này làm cản trở và tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn.

Từ đó, dẫn đến thiếu máu và hoại tử tinh hoàn. Các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính cho biết, báo cáo của một số tác giả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp.

Lý giải cho kết quả này, các nhà khoa học cho rằng, điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu (Cremasteric). Từ đó, dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục. Các dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn bao gồm đau bìu khởi phát đột ngột, dữ dội.

Tình trạng đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng. Bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím, tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện, tinh hoàn xoay trục, nằm ngang, nôn hoặc buồn nôn cũng là dấu hiệu của xoắn tinh hoàn.

Theo các bác sĩ, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa. Bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp nhanh chóng và kịp thời. Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của xoắn tinh hoàn là mức độ xoắn (xoắn hoàn toàn hay không hoàn toàn) và thời gian xoắn. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng tới khả năng cứu được tinh hoàn hay không.

Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Nếu can thiệp từ 6 - 12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%.

Nếu can thiệp trong khoảng 12 - 24 giờ, khả năng còn 20%, trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn. Vì vậy, khi có các dấu hiệu xoắn tinh hoàn, bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nguy cơ phát hiện muộn

Theo các bác sĩ, mổ xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn. Phẫu thuật được tiến hành như sau: Đầu tiên bác sĩ sẽ rạch da bìu; sau đó tháo xoắn thừng tinh; khâu cố định tinh hoàn vào bìu để phòng trường hợp tinh hoàn bị xoay. Bệnh thường gặp ở trẻ em và nam giới trẻ tuổi, rất hiếm gặp ở những người nam giới cao tuổi.

Chia sẻ về tình trạng xoắn tinh hoàn, PGS.TS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam Học, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, ở trẻ sơ sinh, tinh hoàn thường chưa xuống hẳn bìu và di động nhiều. Do sự di động này mà tinh hoàn có thể bị xoắn (thường là xoắn ngoài màng tinh hoàn). Thường phát hiện muộn sau 7 - 10 ngày.

Ở nam giới có màng tinh hoàn bám cao hơn so với bình thường, cũng như sự cố định bất thường với cơ và cấu trúc bên ngoài thừng tinh. Trục của tinh hoàn nằm ngang. Khi đó, tinh hoàn có thể xoay tự do quanh thừng tinh ở phía trong màng tinh hoàn. Bất thường này gặp ở 12% nam giới.

Xoắn xảy ra khi tinh hoàn xoay từ 90 - 180 độ. Tình trạng này ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến và đi từ tinh hoàn. Xoắn hoàn toàn thường xảy ra khi tinh hoàn xoay 360 độ, có thể đến 720 độ. Xoắn không hoàn toàn hoặc một phần xảy ra với mức độ quay ít hơn.

Xoắn tinh hoàn gây tắc nghẽn hệ thống mạch máu của tinh hoàn (động mạch và tĩnh mạch). Hậu quả có thể là thiếu máu và nhồi máu tinh hoàn.

Bên cạnh những dấu hiệu trên, bệnh nhân xoắn tinh hoàn cũng thường không có hoặc giảm phản xạ cơ bìu. Dấu hiệu này có thể được dùng để chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây đau bìu cấp khác.

Ngoài ra, dấu hiệu Prehn âm tính (giảm đau khi nâng tinh hoàn lên) cũng là một dấu hiệu của xoắn tinh hoàn. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm: Buồn nôn hoặc nôn; bìu sưng đỏ; phù nề toàn bộ vùng bìu; sốt. Tuy nhiên, dấu hiệu sốt không thường gặp ở bệnh nhân xoắn tinh hoàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.