Mặt hiền hậu, ngây thơ và mơ mộng,
Cằm chẻ đôi, quả cảm vì niềm tin,
Giá đi vào nghệ thuật, chẳng thiệt thòi, thất vọng.
Những lời trên trùng hợp với cuộc đời Ogiński - nhà soạn nhạc và chính trị Ba Lan xa xưa.
Nhiều người cho rằng các bản nhạc Polonaise của Ogiński là biểu tượng âm nhạc của đất nước Ba Lan trong đó, Polonaise “Vĩnh biệt Tổ quốc” tượng trưng cho sự ly biệt Tổ quốc với nhiều ý nghĩa: Khi người ta rời đi nước ngoài chưa hẹn ngày quy cố hương; là một lời bái biệt với một quốc gia đã bị khuất phục, bị tàn phá bi thương.
Đó còn là âm nhạc nhằm hòa giải những người chiến thắng với kẻ bại trận, ẩn chứa biết bao nỗi niềm của tình yêu, ước vọng về một thế giới hòa bình tốt đẹp. Chính người Nga, người Đức đều rất yêu mến giai điệu tuyệt vời này, phải chăng qua âm nhạc họ linh cảm được số phận mình cũng có lúc bại trận!
Polonaise của Ogiński được viết cho piano độc tấu và dù có nhiều bản soạn khác nhau cho dàn nhạc giao hưởng, violon, organ, accordeon… nhưng với Ogiński, “Vĩnh biệt Tổ quốc” (dành cho Piano) viết về nỗi nhớ sâu sắc quê hương Ba Lan vẫn là thành công nhất.
Âm nhạc vang lên thật du dương tráng lệ, thanh khiết trong nỗi buồn chia ly, buồn mà phóng khoáng, giản dị nhưng hào sảng; âm thanh nhạc cụ như quyện hòa với cảnh vật xung quanh cùng những cảm xúc từ khắp tâm hồn tác giả dâng lên tỏa ra khắp nơi, khiến người nghe xúc động vô cùng. Đối với Polonaise, sự chậm rãi, đôi khi trang trọng và buồn là nét đặc trưng.
Polonaise “Vĩnh biệt Tổ quốc” là một cảm giác mênh mang và trống trải trong tâm hồn khi nhớ về Tổ quốc tươi đẹp đã vĩnh viễn mất đi mà không bao giờ có thể quay về nữa. Yêu thương, nhớ và nỗi buồn cứ như thế thấm mãi vào tận sâu trong mọi ngóc ngách trái tim.
Người nghe có thể cảm thấy mùi hương của tuyết lạnh mùa Đông xứ Ba Lan, mùi thơm của khói bốc lên từ ống khói những ngôi nhà cổ. Rồi từ từ mà cảm nhận mùa xuân chầm chậm tới, các bụi tử đinh hương nảy mầm, tuyết dần tan, mây trắng xuất hiện, những con chim sẻ nhảy nhót vui đùa trên những nhành cây khoác áo xanh khắp nơi...
Ogiński đã sáng tác 1 vở opera, các bản mazurka, waltz, romance, nhiều bài hát và hơn 20 bản polonaise, nổi tiếng nhất là polonaise “Vĩnh biệt Tổ quốc”. Polonaise là tên gọi của một vũ khúc cổ của người Ba Lan xuất phát từ thế kỉ XVI. Vũ khúc đó đã cuốn hút và chinh phục người nghe rồi nhanh chóng được phổ biến rộng rãi ở châu Âu vào thế kỷ XVIII.
Polonaise vang lên trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ lừng danh thời bấy giờ như Couperin, Handel, J.S.Bach, W.F.Bach… và muộn hơn trong âm nhạc của L.v.Beethoven, F.Schubert, M.I.Glinca, P.I.Tchaikovsky…
Mikhail Kleofas Ogiński sinh năm 1765 và lớn lên tại điền trang Guzov gần Warsaw. Ông luôn nhấn mạnh rằng người Bạch Nga hay Litva, Ba Lan (cùng gốc nòi giống Litvinsky) đều có chung nguồn gốc. Ogiński thuộc dòng dõi quý tộc danh giá nhất của đất nước, quốc gia khi ấy gọi tên là “Khối thịnh vượng chung Ba Lan và Litva” (Polish-Lithuanian Commonwealth).
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XX khi Ogiński sinh ra và lớn lên, vương quốc Ba Lan luôn ở trong tình trạng bị những thế lực ngoại bang Nga, Phổ, Áo tranh giành, xâu xé và người Ba Lan mất Tổ quốc, mất tự do ngay trên đất nước mình.
Dù được đào tạo toàn diện âm nhạc, văn hóa, lịch sử..., nhưng từ khi trai trẻ Ogiński đã mong muốn dành phần lớn cuộc đời mình để tham gia tham gia các phong trào cách mạng; đấu tranh chính trị nhằm khôi phục lại chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Năm 1802, Hoàng đế Nga Alexander II đã ân xá cho nhiều người tham gia cuộc nổi dậy của Kosciuszko, gồm cả Ogiński. Nhà cách mạng kiêm nhạc sĩ tài hoa đã được trả lại gia sản của mình trước đây bị tịch thu trên lãnh thổ của Belarus.
Nhưng là một vương công của Polish-Lithuanian Commonwealth, sớm đi theo sự nghiệp chính trị cho đến khi quốc gia của ông bị Nga, Phổ và Áo xâm lược, chia cắt và biến mất trên bản đồ thế giới, ông buồn bã khôn nguôi.
Năm 1810, Ogiński thậm chí còn được bổ nhiệm làm cố vấn bí mật và thượng nghị sĩ của Đế quốc Nga. Nhưng ông không thể phục vụ chính phủ mới, vẫn khao khát nhớ quê hương - một quốc gia không còn nữa.
Ông nhận ra rằng mình không thể nhìn thấy những người thắng trận dạo trên quê hương ông, miền quê không còn tồn tại với tư cách quốc gia nữa. Và ông không thể ép mình phục vụ người thắng trận, mặc dù ông được Nga hoàng đối xử rất tử tế.
Sa hoàng đã hứa hẹn rất nhiều với Ogiński, nhưng rốt cục sau Đại hội Vienna (Áo) năm 1815, ông nhận ra Sa hoàng phản bội lại lòng tin của ông và người dân Ba Lan không thể giành lại được Tổ quốc của mình.
Ogiński luôn coi mình là trước hết là một nhà cách mạng, sau đó mới là một nhà soạn nhạc. Đấu tranh vì đất nước Ba Lan yêu dấu là ý nghĩa cuộc đời ông. Còn âm nhạc là hơi thở và niềm vui của ông, “Polonaise cung La thứ” đã trở thành tác phẩm nổi tiếng và được yêu mến trên khắp những miền đất Slavơ, châu lục khác, cho đến hôm nay.
Bản Polonaise này còn gọi là “Tạm biệt Tổ quốc” (Farewell to Fatherland) hay đơn giản là Polonaise Ogiński và hậu thế vẫn chưa tìm thấy bản viết tay của nhà soạn nhạc. Bản in đầu tiên xuất hiện vào năm 1831 (trước khi Ogiński mất).
Đóng góp lớn nhất của Ogiński là những bản Polonaise, nhạc vũ điệu Ba Lan, nhưng được soạn để nghe chứ không phải để khiêu vũ. Ông được coi là cha đẻ của dòng piano Ba Lan và ảnh hưởng lớn tới thiên tài Chopin trẻ tuổi.
Năm 1823, khi Ogiński đã 58 tuổi, ông định cư biệt xứ ở Ý cho tới cuối đời. Chính vào năm đó, ông viết nên bản Polonaise “Vĩnh biệt Tổ quốc” để diễn tả nỗi nhớ về quê hương Ba Lan da diết. Giai điệu polonaise buồn, đẹp dịu dàng mà nhói buốt tâm can cứ vương vấn mãi khắp những nốt nhạc, trong kí ức của nhà soạn nhạc tha hương.
Việc ông chọn tha hương tới quê người vợ thứ hai - một người nổi tiếng lăng loàn, trụy lạc mà ông đã phải li dị sau 13 năm chung sống thật khó hiểu! Ogiński sống cô đơn ở Florence (Ý) 10 năm rồi qua đời vào ngày 15 tháng 10 năm 1833. Hài cốt của ông đã được chuyển đến nhà thờ Santa Croce, nơi có Michelangelo, Machiavelli và Galileo yên nghỉ.