Plickers: Công cụ hữu hiệu giúp thầy trò ôn tập, kiểm tra trắc nghiệm

GD&TĐ - Hiện nay, hình thức kiểm tra trắc nghiệm rất phổ biến trong nhiều môn học. Thi trắc nghiệm đặc biệt hiệu quả khi được sử dụng cho các bài thi trên diện rộng và kiến thức chuẩn hóa. 

Plickers: Công cụ hữu hiệu giúp thầy trò ôn tập, kiểm tra trắc nghiệm

Tuy nhiên, để giúp học sinh quen với phương pháp làm bài, biết vận dụng kiến thức, có kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm trong thời gian nhất định và đạt được kết quả cao thì việc ôn tập theo hình thức này khá vất vả với giáo viên khi không có máy chấm bài trắc nghiệm. Học sinh ôn làm bài tập trắc nghiệm trên giấy thường thấy khô khan, khó nhớ và ít hứng thú.

Để giải quyết vấn đề này, giáo viên có thể sử dụng Plickers - một công cụ giúp tổ chức ôn tập và kiểm tra trắc nghiệm trong lớp học một cách hiệu quả và thú vị. Chỉ cần giáo viên có điện thoại thông minh và lớp học có máy tính kết nối mạng Internet, mỗi học sinh được phát một thẻ in trên giấy.

Thẻ của mỗi học sinh tương ứng là mã của em đó, 4 cạnh của thẻ có mã là 4 đáp án A, B, C, D. Học sinh đọc câu hỏi trên màn hình và chọn đáp án nào thì giơ cạnh có chữ đó lên trên.

Khi đó giáo viên dùng máy điện thoại để quét đọc đáp án của học sinh trên thẻ và tự động nạp vào hệ thống. Sau khi học sinh trả lời bộ câu hỏi, Plicker có phần Hiển thị điểm ( Score sheet) tổng hợp kết quả của học sinh rất nhanh và ngay lập tức hiện trên màn hình máy tính.

 

Có bảng thống kê theo từng học sinh xem câu nào trả lời đúng, câu nào sai và tính số % điểm đạt được của mỗi học sinh. Ngoài bảng tổng hợp theo thứ tự danh sách lớp còn có bảng kết quả theo xếp hạng từ cao đến thấp (giáo viên có thể khen thưởng học sinh có nhiều câu trả lời đúng nhất để động viên các em thi đua học tập).

Bên cạnh đó còn có bảng thống kê theo câu hỏi, ở mỗi câu hỏi có thống kê tỉ lệ bao nhiêu % học sinh trả lời đúng. Dựa vào thống kê này, giáo viên biết kết quả nắm kiến thức của học sinh ở phần nào còn chưa tốt và có biện pháp bổ sung kiến thức cho các em.

Thường thì câu nào học sinh sai nhiều nhất thì giáo viên sửa trước cho các em. Hơn nữa, dữ liệu của bài kiểm tra được lưu tự động, theo từng học sinh tại trang web của Plickers để giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học sinh.

Đồng thời, khi học sinh thấy được kết quả của mình được hiển thị trên màn hình, các em cũng rất hào hứng và có ý thức học tập, bổ sung kiến thức để đạt được kết quả tốt hơn.

Sau khi tạo lớp học trên Plickers, giáo viên vào danh sách học sinh của lớp theo số thứ tự. Plickers tự động đặt số thẻ cho học sinh và giáo viên sẽ phát thẻ cho mỗi em theo đúng mã số. (Tối đa mỗi lớp 63 học sinh).

Đối với lớp nhỏ hoặc ít học sinh thì nên in bộ thẻ cỡ nhỏ cho gọn, nếu lớp lớn hoặc đông học sinh thì dùng bộ thẻ cỡ lớn sẽ dễ đọc hơn .Một bộ thẻ có thể sử dụng được cho nhiều lớp. Một lớp và danh sách tạo ra có thể dùng cho nhiều môn, nhiều bộ câu hỏi.

Sau đó giáo viên tạo các bộ câu hỏi ( có thể copy hoặc chụp lại từ file WORD hay POWERPOINT có sẵn) và đánh vào ô các phương án lựa chọn. Chọn khảo sát, trắc nghiệm hoặc câu hỏi đúng/sai.

Khi tổ chức ôn tập trắc nghiệm, tùy theo câu hỏi mà giáo viên dành thời gian phù hợp cho học sinh nhẩm hoặc nháp nhanh để tìm câu trả lời của mình.

Lưu ý học sinh giơ đáp án không cho tay vào phần hình trong thẻ. Khi học sinh giơ thẻ để trả lời, giáo viên đứng trên bục giảng, hướng camera của điện thoại đối diện với thẻ của học sinh để máy nạp câu trả lời vào hệ thống. Trên màn hình máy tính, tên những học sinh đã được nạp câu trả lời vào hệ thống sẽ được hiển thị trên nền xanh.

Việc sử dụng công cụ Plickers sẽ giúp hỗ trợ giáo viên rất nhiều khi ôn tập kiểm tra trắc nghiệm cho học sinh, tạo hứng thú học tập cho học sinh giống như tham gia trò chơi "Ai là triệu phú".

Tùy theo sự sáng tạo trong cách tổ chức, chữa bài, bổ sung kiến thức của giáo viên sẽ làm cho giờ ôn tập trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng và đạt hiệu quả tốt.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.