Cô Nguyễn Thị Lan Hương - giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) kể về những tình huống sư phạm mà cô gặp phải trong quá trình làm chủ nhiệm lớp.
Những tình huống khó đỡ
Cô kể đó là một học sinh khá đặc biệt: người hơi đen và gầy, đầu tóc thì hay rối bù, khuôn mặt trông không được ưa nhìn cho lắm bởi sự khó đăm đăm, lúc nào ngồi học cũng phải kiếm cái gì đó để ngậm khi thì là một bộ phận của bút, khi thì cái thước kẻ, lúc là đuôi cái khăn đỏ.
Và con có một thói quen vô cùng “đáng yêu” tạm gọi là: nổi khùng, ăn vạ. Thói ăn vạ thực ra là những biểu hiện bộc lộ cảm xúc và hành vi một cách thái quá, thường xảy ra ở trẻ nhỏ 1-5 tuổi nhưng học sinh của tôi đã 12 tuổi rồi vẫn còn thói quen ấy.
Chỉ đơn giản là con ngồi nghí ngoáy nghịch không ghi chép bài các bạn nhắc nhở là tỏ vẻ không hài lòng miệng thì lẩm bẩm còn tay giơ thước hoặc quả đấm dọa bạn, không vừa ý là nằm lăn lộn xuống đất, khóc và hét lớn, bứt tóc bứt tai, dậm chân và đá đồ đạc.
Lần đầu tiên con gây ấn tượng với các thầy cô và các bạn là trong một giờ học con không ghi bài, bạn nhắc thế là con khùng lên, lấy tay bóp vào cổ mình kêu con muốn chết rồi nằm lăn ra đất, các thầy cô hết dỗ dành lại phân tích cũng không được, con càng được thể kêu gào lớn. Đưa con vào phòng y tế con dọa cả cô y tế.
Lần thứ 2 là hôm con mang quyển truyện rất dày đi đọc, con đọc trong giờ, các bạn báo cáo cô thế là con không hài lòng, các bạn hỏi mượn truyện con không cho mượn mà còn bảo bạn là đồ ăn trộm. Bạn có kẹo, con xin bạn không cho, thế là cứ đuổi theo bạn rồi túm khăn đỏ của bạn làm khăn đỏ thít vào cổ bạn. Các bạn khác vào can thế là con lại nổi cáu.
“Khi tôi gặp, con lấy hai tay cấu vào cánh tay mình, dầu đập đập vào tường tỏ ra ấm ức. Tôi bảo con trình bày lại sự việc thì con bảo “không muốn nói”. Rất lâu con mới nói rằng, các bạn muốn giết con, không ai yêu con. Hỏi là bạn nào như thế con nói là bạn hồi tiểu học” – cô Hương nhớ lại.
Lại một lần khác, khi vào lớp thấy có bạn lấy hộp bút của mình chặn lên tờ thông báo, con đập mạnh tay xuống mặt bàn quát lên: “Ai cho chúng mày phá đồ của tao” rồi lại tiếp tục gào lên vối những lời lẽ, giọng điệu và cử chỉ như trước.
Thầy, cô giám thị càng hỏi, càng phân tích con lại càng gào to hơn, thầy bế con vào phòng y tế, con lại tiếp tục kêu gào vật vã trong đó. Nhưng lúc cô y tế lấy ra một túi bánh kẹo con lại ngồi ăn tì tì quên cả việc kêu khóc.
Theo cô Hương, thông thường khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ, tim chúng ta sẽ đập nhanh, não sẽ thúc ép phải giải quyết vấn đề ngay. Và nếu là học sinh của mình thì chúng ta càng sốt ruột, khó chịu và chỉ muốn con nín khóc ngay lập tức.
Thế nên mỗi khi con bắt đầu không kiểm soát được cảm xúc và hành vi là tôi luôn cố gắng tìm mọi cách dỗ dành, phân tích, khuyên bảo nhưng gần như không hiệu quả.
Lúc đó, cô không chỉ mệt mỏi vì con kêu gào mà còn mệt mỏi vì con không nghe lời mình, mình không xử lí được tình huống, không chuyển hóa được cảm xúc trong thái độ của con, cảm giác bất lực và muốn phát điên khi thấy con cứ hơi tí là lăn ra kêu gào khi có chuyện không vừa ý.
“Tôi cố gắng tìm hiểu, nói chuyện với gia đình, gia đình cho biết con không có bệnh lý gì mà mẹ con khẳng định là do con xấu tính. Tôi động viên mẹ con cho con đi kiểm tra lại sức khỏe và tinh thần trong giai đoạn dậy thì.
Kết quả bác sĩ kết luận con bình thường. Sau nhiều lần theo dõi tôi thấy con chắc chắn có biểu hiện của hiện tượng bộc lộ cảm xúc và hành vi thái quá thường gọi nôm na là “nổi khùng, ăn vạ” – cô Hương chia sẻ.
Bình tĩnh và nhớ đến 5 cấp độ
Qua tìm hiểu và nghiên cứu, cô Hương thấy chứng ăn vạ có năm cấp độ:
Cấp độ 1: GIẬN DỮ. Nhận ra thông qua tiếng hét rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể, bản thân,người khác. Thời gian diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.
Cấp độ 2: GIẬN DỮ VÀ BUỒN BÃ.Bắt đầu bằng sự khóc lóc, giãy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian ĂN VẠ.
Cấp độ 3: ĐỪNG CHẠM TÔIGiẫy nẩy lên khi ai chạm vào hoặc dỗ dành. Thời gian diễn ra khá ngắn, chiếm 10% tổng thời gian.
Cấp độ 4: “TÔI CẦN CÁI ÔM” Bắt đầu giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng bắt đầu nghe người khác nói. Thời gian này cũng ngắn, chỉ tầm 10%.
Cấp độ 5: HẾT GIẬN. Trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận gữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc.
Theo cô Hương, khi trẻ ở cấp độ 1,2,3, thì không nên chạm vào, để trẻ tự trải qua trong an toàn, điều này sẽ làm trẻ trưởng thành hơn trong cảm xúc, hãy tác động vào cấp độ 4 để bé tự nhiên trải qua cấp độ 5. Bởi bất cứ tác động nào lên cấp độ 1, 2 và 3 đều dẫn đến sự kéo dài và mãnh liệt hơnở lần ĂN VẠ sau.
Khi bị ép trẻ sẽ rất ấm ức, chúng không học được cách làm thế nào để kiểm soát được cảm xúc của mình một cách tích cực, và những cảm xúc tiêu cực bị đè nén lâu dài. Những đứa trẻ không được học cách xử lí cảm xúc tích cực sẽ thường có những cách tiêu cực để xử lí cảm xúc như la hét, đập phá… bởi đó là những cách đơn giản nhất, không cần phải học.
Vậy là mọi tác động của tôi và các thầy cô là chưa đúng thời điểm khiến con chuyển gấp gáp cảm xúc từ cấp độ 3 đến cấp độ 5, mà không qua cấp 4. Con thấy cứ làm như vậy thì sẽ được thầy cô chú ý, dỗ dành, cho ăn. Vì thế số lần nổi khùng, ăn vạ của con tăng lên và kéo dài hơn, con đòi hỏi, nói năng linh tinh nhiều hơn.
Mỗi lần nghe các con trong lớp tìm và báo “ Con thưa cô bạn N lại…” là tôi lại nóng hết cả mặt nhưng rồi phải tự nhủ bản thân: bình tĩnh, hãy nhớ đến 5 cấp độ.
Từ những tình huống như trên, cô Hương nhận thấy, điều quan trọng là phải BÌNH TĨNH, phải đủ cứng rắn và kiên nghị trong suốt thời gian con nổi khùng, ăn vạ. Cáu giận và làm căng là tự chuốc bực vào người. Và tuyệt đối tránh những kiểu câu mệnh lệnh như: đứng dậy ngay, đi ra khỏi lớp, không nói nữa ...; tránh dùng những cụm từ phủ định mạnh: không chấp nhận được, sao hơi tí ăn vạ thế?...
Trẻ con nổi khùng ăn vạ là bình thường, vì trẻ sẽ cần trải qua nó như cách tôi luyện, quan trọng là cách chúng ta ứng xử và xử lý. Chứng ĂN VẠ sẽ qua đi và mang những bài học về cách sống và điều chỉnh hành vi tốt hơn cho trẻ.