Hoang mang trên đường…

GD&TĐ - 16 tuổi, hung hãn đâm chết người đã nhắc mình nên làm việc đúng khi tham gia giao thông. Chuyện ấy, thoạt nghe, tưởng như hoang đường. Nhưng đó lại là sự thật đau lòng!

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cụ thể, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 4/4, Lê Văn Hoài (sinh năm 2003, trú tại khu phố 1, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) điều khiển xe đạp điện chở bạn gái vượt đèn vàng tại ngã tư Hùng Vương giao với Nguyễn Huệ (thành phố Đông Hà).

Vượt ẩu, Hoài suýt va chạm với anh Mai Xuân Lan (sinh năm 1987) đi xe máy đúng đường, tuân thủ đèn tín hiệu. Hai bên lời qua tiếng lại khi anh Lan nhắc nhở Hoài về chuyện vượt đèn đỏ. Khi bị anh Lan đánh vì chửi tục, Hoài rút dao thủ sẵn trong người đâm vào bụng anh Lan.

Mặc dù đã được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, nhưng do vết thương quá nặng, anh Lan đã tử vong vào buổi tối cùng ngày. Hoài đã bị tạm giữ hình sự và cơ quan điều tra Công an thành phố Đông Hà đang điều tra, xử lý.

Câu chuyện đau lòng này khiến chúng ta giật mình nghĩ đến những nỗi hoang mang khi tham gia giao thông. Chắc hẳn ai cũng từng chứng kiến, từng là nạn nhân của những vụ việc đáng phê phán trên đường, khi đa phần những người vi phạm luật giao thông lại có cách hành xử, những hành động đáng lên án, thể hiện sự thiếu văn hóa, thói côn đồ, coi thường luật pháp, khi chửi bới, dọa nạt, hành hung người tham gia giao thông đúng luật…

Tôi từng bị một thanh niên không đội mũ bảo hiểm, cố tình vượt đèn đỏ đâm vào đuôi xe mình rồi quay lại chửi. Tôi từng bị nhiều người bấm còi inh ỏi khi mình dừng đèn đỏ ở không ít ngã ba mà đường đi thẳng vắng người.

Rất nhiều lần khác, là những ánh mắt nhìn mình như kiểu người đến từ hành tinh khác, là lập dị, hâm đơ khi đường vắng, không cảnh sát giao thông mà vẫn không vượt đèn đỏ…

Tôi có may mắn được tham gia giao thông ở cả 5 châu lục của thế giới. Đa số là người dân tuyệt đối tuân thủ, mặc dù trên đường không hề thấy bóng cảnh sát.

Như ở New Dehli (Ấn Độ), nếu chẳng may xảy ra tai nạn, việc xuống giải quyết duy nhất là xem người có bị sao không, nếu không lại lên xe tiếp tục hành trình. Như ở Vientiane (Lào), đi cả tuần trời không thấy ai vượt đèn đỏ, dù đường chỉ thênh thang một mình.

Như ở Seoul (Hàn Quốc), khi bác tài phải bấm còi ô tô, đồng nghĩa với lời chửi thề, sự bực tức vì người khác đi ẩu. Như ở nhiều nước phương Tây, người vi phạm luật giao thông chẳng may bị “tông” chết người nhà nhiều khi còn phải bồi thường, vì chính con em họ đã gây ra tai nạn…

Tham gia giao thông ở Việt Nam ngày càng đối diện với những âu lo, hoang mang, hiểm họa. Khi mà các biện pháp giáo dục, chưa đạt hiệu quả vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thì luật pháp phải được thực thi nghiêm minh, đồng bộ, mới đủ sức răn đe, dần tạo ý thức chấp hành luật giao thông, hạn chế những ngang trái, tai ương trên đường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ