Phương Tây lo kịch bản Nga- Trung bắt tay ở Bắc Cực

GD&TĐ -Hội đồng Bắc Cực đang lo ngại đến kịch bản người Nga, vốn có tính quyết định đến các vấn đề ở vùng Cực, sẽ liên kết với Trung Quốc.

Nga chiếm diện tích lớn ở Bắc Cực nhưng đang bị phương Tây tẩy chay.
Nga chiếm diện tích lớn ở Bắc Cực nhưng đang bị phương Tây tẩy chay.

Financial Times mới đây phỏng vấn các nhà hoạch định chính sách cấp cao ở các quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực cho thấy, các nước phương Tây đang thực sự lo ngại trước một kịch bản mà Nga sẽ bắt tay với Trung Quốc để thúc đẩy tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng ở Bắc Cực.

Các nhà quan sát lo ngại, kỷ nguyên của chủ nghĩa ngoại lệ ở Bắc Cực- vùng Cực nằm ngoài các căng thẳng quan hệ quốc tế - đã qua.

Bảy thành viên phương Tây của Hội đồng Bắc Cực, cơ quan chính của khu vực, đã ngừng hợp tác với Nga về mọi mặt, từ bảo vệ môi trường đến thảo luận về quyền của người bản địa, sau cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu từ năm ngoái.

Rõ ràng, điều này sẽ càng thúc đẩy các quan điểm không mấy thiện cảm từ phía Nga trong các hoạt động chung ở vùng Cực. Đồng thời không thể né tránh khả năng người Nga có thể sẽ đưa đến khu vực các đồng minh của họ.

Một nhà hoạch định chính sách giấu tên nói với Financial Times: "Một mặt, chương trình nghị sự mà chúng tôi muốn thúc đẩy ở Bắc Cực sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không có Nga. Họ chiếm 40% của Bắc Cực. Mặt khác, chúng tôi không thể hợp tác với Nga ngay bây giờ."

Trong một tuyên bố trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho rằng, phương Tây phải ngừng “ngây thơ” trong mối quan hệ với Nga và khu vực Bắc Cực.

“Liệu mọi việc có trở lại bình thường trong Hội đồng Bắc Cực không? Tôi không nghĩ như vậy khi nói đến Nga. Có phải Trung Quốc đang đóng một vai trò ở khu vực Bắc Cực? Đúng. Và chúng ta có nên nhận thức đúng đắn về lo ngại này? Chắc chắn là Có!" - Thủ tướng Đan Mạch nhận xét.

Về phần mình, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cảnh báo rằng mâu thuẫn giữa Nga và bảy thành viên phương Tây của Hội đồng có thể dẫn đến “một Bắc Cực không có luật lệ, hoặc một khu vực Bắc Cực không có mục tiêu chung về biến đổi khí hậu. Bắc Cực sẽ miễn phí cho mọi người sử dụng cho các tuyến đường vận chuyển, cho nguyên liệu thô.”

Trước đó, Nga đã cảnh báo về một tương lai không chắc chắn của Hội đồng Bắc Cực. Moscow cho rằng họ “khó có thể” tiếp tục tham gia nếu các quyền của họ với tư cách là một quốc gia thành viên Hội đồng liên tục bị vi phạm và các đại diện của Nga bị đưa vào danh sách đen khỏi các sự kiện của hội đồng.

Năm ngoái, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào do Hội đồng đưa ra mà không có sự tham gia của Nga sẽ bị Moscow coi là vô hiệu.

Nga đã bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm “củng cố dưới lá cờ của khối NATO” ở Bắc Cực với cái giá phải trả là các liên hệ thể chế thông qua các tổ chức như Hội đồng Bắc Cực và Hội đồng châu Âu-Bắc Cực Barents.

Vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố một khái niệm chính sách đối ngoại cập nhật, trong đó các nỗ lực “giữ gìn hòa bình và ổn định, tăng cường tính bền vững của môi trường, giảm thiểu các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ở Bắc Cực” được liệt kê trong số các ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Moscow.

Cho đến nay, Nga đang không ngừng tham vọng hiện thực hóa Tuyến đường Biển Bắc nhằm tối ưu quãng đường vận chuyển nguyên liệu thô của họ đến các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hoặc sang châu Mỹ.

Nga có kế hoạch tăng cường vận chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc lên 80 triệu tấn vào năm 2024 và 270 triệu tấn vào năm 2035, đồng thời không tiếc chi phí để tạo cơ sở hạ tầng và môi trường an ninh cần thiết cho tuyến đường thương mại, bao gồm một đội tàu hạt nhân gồm hàng chục chiếc, các tàu phá băng chạy bằng điện-diesel thông thường, cùng với một mạng lưới các bến cảng, trạm tìm kiếm cứu nạn và các cơ sở quốc phòng dọc theo tuyến đường.

Tuyến đường biển phía Bắc dài 5.600 km chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của Nga, trải dài từ Biển Barents và Biển Trắng đến Biển Okhotsk và Biển Bering.

Song Mỹ, Đan Mạch và các thành viên NATO khác ở Hội đồng Bắc Cực không hài lòng với việc Nga sở hữu Tuyến đường biển Bắc mà muốn "quốc tế hóa" con đường với việc Mỹ tuyên bố đang cân nhắc về sứ mệnh "tự do hàng hải" ở quanh Bắc Cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.