Phát biểu tại cuộc họp Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ mở văn phòng ngoại giao tại thị trấn Tromsoe, miền Bắc Na Uy.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng, với việc mở văn phòng ngoại giao mới tại thị trấn này, Washington sẽ tạo được một dấu ấn ngoại giao trên Vòng Cực Bắc.
Ông Blinken khẳng định, Mỹ luôn tìm cách hợp tác với "các đồng minh có cùng chí hướng" để thúc đẩy tầm nhìn về một " Bắc Cực hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác".
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, sự hợp tác trong NATO sẽ tập trung vào biến đổi khí hậu và làm việc với người dân bản địa.
Đại sứ quán Mỹ tại Oslo (Na Uy) cũng tiết lộ, văn phòng ngoại giao này sẽ được thiết lập vào cuối năm nay với một nhân viên ngoại giao của Mỹ.
Trang Sputnik của Nga lưu ý rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về cơ sở ngoại giao ở thị trấn xa xôi vùng cực Bắc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trước Hội nghị của NATO vài ngày, siêu tàu sân bay mạnh nhất thế giới USS Gerald R. Ford đã được Mỹ đưa tới Olso. Đây là lần đầu tiên sau 65 năm có một tàu sân bay Mỹ cập cảng Na Uy.
Quân đội Na Uy cho biết, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ này và thủy thủ đoàn sẽ tiến hành các cuộc tập trận với lực lượng vũ trang Na Uy dọc theo bờ biển Na Uy. Phía Mỹ cũng dành nhiều lời khen ngợi cho Na Uy với tư cách là một đồng minh đáng tin cậy của NATO.
Cuộc tập trận diễn ra ngay trước tầm quan sát của Nga và rõ ràng thể hiện uy lực và tăng cường khả năng phòng thủ, răn đe tập thể của khối NATO trước đối thủ đáng gờm ở khu vực Cực Bắc.
Đại sứ Nga tại Oslo ngay lập tức đã chỉ trích chuyến thăm của siêu tàu Mỹ.
Theo giới phân tích, biến đổi khí hậu chỉ là một phần trong các lý do mà Washington coi Bắc Cực là chiến lược cho cạnh tranh với Nga. Một phần khác bởi sự hiện diện của Nga tại đây đã trở nên rất mạnh mẽ.
Vào năm 2020, Mỹ đã mở một lãnh sự quán ở Nuuk, Greenland , nằm ngay phía nam Vòng Cực Bắc. Greenland, phần xa xôi nhất của Vương quốc Đan Mạch đã đặt căn cứ không quân Mỹ ở cực Bắc.
Căn cứ này gần đây đã trở thành khu vực được quan tâm chính của Mỹ và NATO trong bối cảnh xây dựng quân sự tại khu vực.
Washington cũng nhiều lần thể hiện mong muốn được đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng chất quý hiếm được tìm thấy tại khu vực này.
Từ năm 2019, Lầu Năm Góc đã chỉ định Bắc Cực là một hành lang tiềm năng cho sự cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là với Nga và Trung Quốc.
Các đồng minh châu Âu chủ chốt của Washington trong khu vực này, Na Uy và Đan Mạch cũng đã hướng Mỹ tới nhiều hoạt động mạnh mẽ hơn.