Phương pháp “thực học, thực nghiệm” hấp dẫn học sinh

GD&TĐ - Bằng phương pháp dạy học “thực học, thực nghiệm”, “học mà chơi, chơi mà học”, các bài giảng của giáo viên càng trở nên sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn học sinh.

Phương pháp “thực học, thực nghiệm” hấp dẫn học sinh

Giáo viên, học sinh thỏa sức sáng tạo

Khác với những lớp học, buổi học thường ngày ở trường, ở lớp, hôm nay, lớp học của giáo viên, học sinh Trường MN-TH&THCS Đức Trí được thực hiện ngay trên cánh đồng trồng đủ các loại nông sản, các loài hoa, rau xanh, vườn cây, con vật gắn với cuộc sống thường ngày khiến học sinh vô cùng phấn khởi, hứng thú.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh hào hứng tham gia các hoạt động khám phá thế giới thiên nhiên, cuộc sống lao động sản xuất. Học sinh được giáo viên giao nhiệm vụ từ chuẩn bị các dụng cụ lao động, lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, đến triển khai thực hiện công việc. Các em được nhập vai làm bác nông dân trực tiếp tham gia trồng rau, thu hoạch các loại nông sản.

Em Nguyễn Thảo Uyên – học sinh lớp 3/3, Trường TH&THCS Đức Trí) chia sẻ: Em thấy rất thú vị khi tham gia học tập ngay tại khu vườn thực nghiệm. Em cũng như các bạn học sinh trong lớp được hít thở không khí trong lành, mát mẽ, được thỏa sức khám phá thế giới tự nhiên, được trả nghiệm cuộc sống, mà môi trường lớp học thường ngày tại trường không có được.

Hào hứng với những kiến thức hết sức mới mẽ vừa thu nhận được từ buổi học trải nghiệm, em Viên Tuệ - học sinh lớp 4/3, phấn khởi: Buổi học hôm nay em có rất nhiều niềm vui, hoạt động bổ ích. Em cũng các bạn trong lớp được tự tay trồng rau, cho các con vật ăn, tham gia làm những món ăn dân gian như hòa bột gạo, tráng bánh cuốn khi…Thực sự bản thân em cũng như các bạn đều tỏ ra rất phấn khởi và hào hứng.

Mô hình cần nhân rộng

Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường MN-TH&THCS Đức Trí cho biết: “Với sự nỗ lực gần 10 năm qua, nhà trường đã xây dựng được khu vườn thực hành sinh thái có diện tích hơn 7.000 m2 và hơn 2.000m2 đồng ruộng.

Một điều đặc biệt của những lớp học này là đều có sự tham gia của phụ huynh học sinh.Với mục đích tạo sự tương tác hiệu quả giữa gia đình – nhà trường, giáo viên-phụ huynh-học sinh trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho các em học sinh”.

Bởi nói như lời nhìn nhận của cán bộ phụ trách công tác chuyện môn Phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng), việc đưa các hoạt động tham quan, khám phá, trải nghiệm thế giới tự nhiên, cuộc sống lao động, sản xuất vào trong chương trình học tập của học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Còn ông Đoàn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND Quận Hải Châu, nhấn mạnh: Những hoạt động giáo dục theo hướng khám phá, trải nghiệm cần được nhân rộng, nhằm giúp học sinh có được môi trường học tập ngày càng tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ