Để sinh viên hứng thú với giảng đường

GD&TĐ - Có ý kiến cho rằng, giảng viên ĐH hiện nay rất cần “lâu lâu” phải đi học để thấu nỗi khổ của sinh viên. Thỉnh thoảng tôi cũng đóng vai người học, qua đó thấy rõ rằng chịu đựng một buổi học nhàm chán quả là một thách thức. Vì vậy, để góp phần giảm bớt tình trạng này, tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm.

Để sinh viên hứng thú với giảng đường

Dạy cái người học cần và tạo không khí hứng khởi

Trước hết, giảng viên cần ý thức buổi học hiệu quả hay không, người học thích học hay không là do cách giảng dạy của họ chứ không nên đổ lỗi cho sinh viên lười học, quậy phá. Thái độ tự chịu trách nhiệm về chất lượng giờ giảng sẽ giúp giảng viên luôn đổi mới, sáng tạo trong giờ học với mục tiêu chinh phục sinh viên.

Ngoài ra, giảng viên cần tìm hiểu kỹ nhu cầu người học để soạn bài, chọn nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với từng đối tượng người học. Với sinh viên trẻ, các em rất thích được bày tỏ quan điểm, được bàn luận về các vấn đề xã hội. Vì vậy tôi chọn phương pháp cho các em làm việc nhóm, thuyết trình trước lớp. Có những bài tôi cho các em tự đọc và trình bày trên lớp trước khi giảng viên giảng giải kỹ hơn. Kết quả là các em rất thích học, rất sáng tạo trong cách thuyết trình để chứng minh năng lực cá nhân mình, nhóm mình.

Bên cạnh đó, có rất nhiều phương pháp sư phạm khác nhau để giảng viên “đổi món” hằng ngày như phương pháp hỏi - đáp, phương pháp nêu ý kiến ghi lên bảng... Thậm chí có những trò chơi sư phạm, những cuộc thi tài, “neo” kiến thức bằng câu đố cũng làm cho không khí buổi học trở nên khác biệt. Mỗi buổi học là một kịch bản hoàn toàn mới lạ, hấp dẫn, thử thách cả người dạy và người học.

TS Phạm Thị Thúy

TS Phạm Thị Thúy

Thấu hiểu và khơi gợi sáng tạo

Sau mỗi giờ giảng, giảng viên cần nhìn lại để rút kinh nghiệm. Tôi thường rút kinh nghiệm bằng hai cách: tự nhận xét và nhờ sinh viên góp ý. Tôi tự nhận xét sau buổi học xem mình đã làm tốt ở những điểm nào, dở ở điểm nào, nếu làm lại thì mình sẽ thay đổi ra sao? Ví dụ cách giải thích một định nghĩa hôm nay hình như hơi khó hiểu, hay việc mình cho sinh viên làm việc nhóm hôm nay không hiệu quả, mình quản lý lớp chưa tốt…

Đối với sinh viên, tôi yêu cầu họ ghi ra giấy những nhận xét, câu hỏi, thắc mắc của họ. Dĩ nhiên tờ giấy này được ẩn danh. Nhờ cách làm này, tôi luôn nhận ra mình thiếu sót, ví dụ như “cô còn lấy ít ví dụ thực tế quá” hay “cô hơi thiên vị nhóm này nhóm kia quá…”.

Duy trì cảm xúc trong giảng dạy

Khi một giảng viên trẻ hỏi tôi: “Cái khó nhất trong khi đứng lớp là gì?”. Tôi không ngần ngại trả lời rằng: “Đó là tạo cảm xúc trong giờ dạy”. William Arthur Ward, một nhà giáo dục người Mỹ đã từng nói: “Người thầy tầm thường tường thuật. Người thầy tốt giải thích. Người thầy giỏi thể hiện. Người thầy vĩ đại truyền cảm hứng”.

Khả năng truyền cảm hứng mới thực sự đem lại nhiều giá trị đáng quý cho người học. Muốn vậy, người thầy cần tạo cảm xúc ngay trong chính bản thân mình và từ đó khơi lên sự háo hức, mê say trong lòng người học.

Từ năm 2005 đến nay, tôi may mắn được tham gia giảng dạy phương pháp sư phạm cho giáo viên các cấp. Những kinh nghiệm trên tôi thường chia sẻ với đồng nghiệp để mỗi người thầy lên lớp sẽ nhận được sự tin yêu, mến phục từ trò. Những ai thực sự yêu mến nghề dạy học và trân trọng người học sẽ biết cách tự làm mới mình, tự học hỏi để tìm ra phương pháp mới giúp người học không chán thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.