Những kinh nghiệm được chia sẻ dưới đây của thầy Trà là tham khảo hữu ích cho các giáo viên Ngữ văn và cả học sinh, đặc biệt với phần kiến thức về truyện hiện đại Việt Nam, trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Kiểm tra, sát hạch chất lượng học sinh
Ngay từ đầu năm học, sau khi phân tích cho học sinh xác định rõ đây là môn thi tốt nghiệp bắt buộc và giới thiệu toàn bộ nội dung, chương trình ôn tập cho học sinh, giáo viên cần kiểm tra, sát hạch phân loại đối tượng chất lượng học sinh, nắm chắc tỷ lệ phần trăm học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu của lớp học. Có như vậy, giáo viên mới dạy sát đối tượng và chọn lựa phương pháp ôn tập hợp lý.
Xây dựng kế hoạch ôn tập
Từ khung chương trình, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của lớp học, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho hợp lý, khoa học.
Do thời gian ôn thi tốt nghiệp được định hình từ đầu năm học, phần truyện Việt Nam sau 1945 được học từ đầu học kỳ II, nên người dạy có thể xây dựng kế hoạch ôn tập căn cứ vào tiến độ chương trình môn học theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu, ôn tập đến đấy.
Đồng thời, phối hợp giữa ôn tập trên lớp với việc hướng dẫn học sinh tự ôn tập ở nhà, kịp thời củng cố những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho học sinh ở những đơn vị kiến thức các em vừa học chính khóa trên lớp.
Làm như vậy, việc ôn tập của học sinh chắc chắn đạt chất lượng và hiệu quả tốt hơn.
Lựa chọn phương pháp ôn tập phù hợp, hiệu quả
Mỗi giáo viên có những phương pháp hướng dẫn học sinh ôn tập khác nhau. Song, dù lựa chọn phương pháp ôn tập nào, người dạy cũng phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp; quan tâm tới đặc điểm, tình hình cụ thể của lớp học, cũng như kế hoạch ôn tập đã xác lập, nhất là chất lượng và hiệu quả ôn tập.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào những mảng kiến thức cụ thể, những hình thức câu hỏi khác nhau mà lựa chọn phương pháp ôn tập cho phù hợp, ví dụ:
Với kiểu đề nghi luận văn học: người dạy vừa phải củng cố, ôn tập lại kiến thức, vừa rèn luyện những kỹ năng cơ bản cho học sinh thông qua những đề bài cụ thể.
Do vậy, người dạy phải hệ thống hóa những đề bài liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình ôn tập. Ngoài những đề bài đã có trong các tài liệu tham khảo, giáo viên còn phải biết ra thêm những đề bài bổ sung, sao cho có thể phủ kín được toàn bộ những phương diện khác nhau nhiều khi hết sức phong phú, đa dạng ở một tác phẩm văn học.
Nó vừa giúp học sinh hiểu sâu sắc và thấu đáo hơn về một tác phẩm văn học, vừa tránh được lối học tủ, học lệch và trang bị cho học sinh một vốn kiến thức phong phú, sâu sắc để các em tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi; vừa góp phần đáp ứng được yêu cầu phân hóa đối tượng học sinh trong quá trình ôn tập.
Tuy nhiên, do thời gian ôn tập không nhiều nên giáo viên không thể hướng dẫn học sinh ôn tập tất cả các đề bài liên quan tới tác phẩm được. Giáo viên phải phối hợp hướng dẫn học sinh ôn tập trên lớp với tự học, tự ôn tập ở nhà, biết lựa chọn đi sâu vào những đề bài mới và khó đối với học sinh, biết giới thiệu và hướng dẫn học sinh đọc các tài liệu tham khảo, tự học, tự tích lũy, bổ sung kiến thức.
Với kiểu đề tích hợp giữa đọc - hiểu văn bản với nghị luận xã hội (nghị luận về một vấn đề được đặt ra trong tác phẩm văn học): yêu cầu người viết phải xác định và giới thiệu được vấn đề cần đưa ra bàn bạc trong tác phẩm văn học.
Để làm được điều này, giáo viên phải hướng dẫn học sinh vận dụng kỹ năng đọc – hiểu văn bản và trả lời các câu hỏi: Vấn đề đó là gì? Nó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm? Nhưng không sa vào phân tích tác phẩm mà chủ yếu cần rút ra ý khái quát - vấn đề cần bàn luận. Từ đó, tiến hành bài nghị luận xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập
Theo thầy Trần Xuân Trà, tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập của học sinh cũng là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn.
Có nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm những mục đích khác nhau: Kiểm tra, sát hạch phân loại đối tượng học sinh nhằm lựa chọn nội dung và phương pháp hợp lý, khoa học trước khi ôn tập;
Kiểm tra miệng trên lớp, những kiến thức về tác giả, tác phẩm, nhất là việc học thuộc lòng các bài thơ, đoạn thơ, việc nắm chắc chủ đề tư tưởng tác phẩm, ý của từng đoạn, cũng như những nét đặc sắc nghệ thuật của từng câu thơ, đoạn thơ;
Kiểm tra việc chuẩn bị bài và làm bài tập, làm đề cương ôn tập ở nhà của học sinh, nhận xét đánh giá về ý thức học tập, những mặt được và chưa được của từng em về việc làm bài và chuẩn bị đề cương ôn tập ở nhà;
Kiểm tra viết bài nghị luận trên lớp nhằm kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh sau khi ôn tập xong một tác phẩm, một chủ đề (có thể kết hợp cả hình thức kiểm tra tự luận và trắc nghiệm khách quan);
Tổ chức cho học sinh tự kiểm tra, đánh giá, hoặc kiểm tra chéo lẫn nhau, để học sinh tự đánh giá hoặc đánh giá cho nhau về kết quả ôn tập.
"Giáo viên cần tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình học sinh mỗi lớp ở những thời điểm khác nhau, giáo viên có thể lựa chọn các hình thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, sao cho, kiểm tra, đánh giá thực sự trở thành động lực thúc đẩy học sinh tích cực, tự giác, học tập, nâng cao chất lượng và hiệu quả ôn tập" - thầy Trần Xuân Trà lưu ý.