Phương pháp làm bài trắc nghiệm Hóa học

GD&TĐ - Cô Trần Thị Vinh - Giáo viên Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ: Điểm khác biệt giữa bài thi Hóa so với các môn Toán, Lý... là phần tính toán của Hóa đơn giản. Tuy nhiên môn Hóa thường phải nhớ kiến thức lý thuyết nhiều.

Phương pháp làm bài trắc nghiệm Hóa học

Đặc trưng bài thi trắc nghiệm Hóa học

Theo cô Vinh, học sinh chỉ cần nắm tốt các lý thuyết tổng quát cũng sẽ giúp làm tốt 70% số câu hỏi. Phần còn lại nằm vào các trường hợp đặc biệt cần phải nhớ hoặc cần suy luận.

Đề thi trắc nghiệm môn Hóa học thông thường gồm nửa là câu hỏi lý thuyết và nửa là bài tập tính toán.

Nếu là bài tập tính toán, cô Vinh khuyên, trước hết cần xác định việc tính toán không quá phức tạp, hầu hết đều có thể đưa về 1 phương trình hay hệ phương trình toán học đơn giản.

Phải trang bị một số phương pháp giải toán hoá như các công thức tính nhanh, các phương pháp giải nhanh, có thể nói tới bảo toàn khối lương, phương pháp bảo toàn electron, phương pháp đường chéo, bài toán chất khí, phương pháp trung bình ...

Trước khi giải toán phải tìm số mol các chất (nếu có thể), viết phương trình hoá học hay sơ đồ biến hoá để kết nối các mối quan hệ, từ đó lập phương trình toán học, giải toán tìm nghiệm. 

Trong một số trường hợp bài toán hóa học cho số chia không hết (ví dụ 89/3) học sinh thường làm tròn và có thể dẫn đến một kết quả sai, trong trường hợp này ta nên dùng phân số để tính toán.

Nếu là bài tập lý thuyết, cần ôn tập đầy đủ phần lý thuyết trong sách giáo khoa. Một điều chắc chắn là đề thi không được phép ra ngoài chương trình sách giáo khoa nên học sinh không cần sa đà vào các kiến thức khó ngoài sách giáo khoa.

Cách tốt nhất là học sinh nên tự làm đề cương để kiểm soát phần nào còn thiếu, yếu hoặc chưa hiểu kĩ theo từng dạng như sau:

Đề thi thường có các câu hỏi giáo khoa hoặc bài tập có tính toán nhỏ có nội dung của kiến thức vô cơ - đại cương. Để lấy điểm trọn vẹn, các em phải nắm thật vững kiến thức sách giáo khoa và làm bài thật chuẩn xác.

Với các câu này, nội dung thường nằm trong các phần: cấu tạo nguyên tử - bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học; phản ứng oxy hóa - khử, chuyển dịch cân bằng, dung dịch - sự điện ly, các bài toán pH, tính chất hóa học của những chất thuộc các nguyên tố halogen S, O, N, P, Al, Fe...

Những câu có nội dung hóa hữu cơ thường có nội dung nằm trong các bài tiêu biểu thuộc các nhóm nguyên tố (C, H); (C, H, O) và (C, H, O, N), kết hợp halogen với các cách cho thường gặp như viết phản ứng, nêu hiện tượng thí nghiệm, hoàn thành sơ đồ phản ứng, điều chế, nhận biết và tách chất.

Về bài toán vô cơ, chủ yếu là các bài toán về kim loại và hợp chất của kim loại phản ứng với axit; muối; phản ứng nhiệt luyện, các phản ứng trong dung dịch. Ở câu này, yêu cầu ở thí sinh cao hơn, để lấy được điểm tối đa phải là các thí sinh khá giỏi!

Cô Vinh lưu ý, dù hóa vô cơ hay hữu cơ, dù là lý thuyết hay bài tập, phần cốt lõi của môn Hóa học nằm trong hóa tính và điều chế các chất.

Sau khi nắm vững các phần này, việc kế tiếp là phải hệ thống lại các bài học thì mới có thể vận dụng chúng dễ dàng.

Nên nhớ, tuy hiện nay các em thi đề trắc nghiệm nhưng khởi đầu để ôn tập phải biết cách lập luận của đề tự luận, nếu không sẽ không biết bắt đầu từ chỗ nào để đến kết quả.

Những "bẫy“ thường gặp

Cô Vinh cho biết, học sinh cần lưu ý tránh nhầm lẫn trong quá trình vận dụng kiến thức cũng như những “bẫy” về cách hiểu và vận dụng kiến thức. Đồng thời, tránh vận dụng các phương pháp giải toán một cách không hợp lí và không triệt để trong việc giải các bài tập hoá học.

Một số sai lầm phổ biến như khi tính theo phương trình hóa học hoặc sơ đồ phản ứng mà quên cân bằng hoặc cân bằng không đúng;

Hiểu sai các công thức tính toán trong hoá học, sử dụng đơn vị tính không thống nhất, không để ý đến hiệu suất phản ứng cho trong bài;

Không xác định được chất nào hết hay dư trong quá trình phản ứng, hiểu sai tính chất của các chất nên viết phương trình hóa học không chính xác, thiếu các kĩ năng cơ bản khi sử dụng các phương pháp giải bài tập, ...

Cùng với đó, cần tránh sai lầm về cách hiểu và vận dụng lí thuyết hóa học trong giải bài tập.

Một số sai lầm của học sinh trong quá trình giải bài tập là do kiến thức lý thuyết chưa nắm vững, còn phiến diện, chưa tổng hợp được kiến thức.

Ví dụ như một chất hữu cơ có phản ứng tráng gương thì học sinh chỉ nghĩ rằng đó là Anđehit mà không xét các trường hợp khác như HCOOH, HCOOR, HCOOM, . .hay khi thuỷ phân este thì học chỉ nghĩ rằng tạo ra axit (hoặc muối) và ancol chứ không nghĩ đến các trường hợp tạo nhiều muối, anđehit, xeton, . .

Cũng theo cô Vinh, một số học sinh thường mắc các “bẫy” khi giải toán là không chú ý đến các tính chất đặc biệt của các chất phản ứng cũng như các chất sản phẩm, như tính lưỡng tính của các oxit, hyđroxit lưỡng tính, quá trình hoà tan các kết tủa của các oxit axit như hoà tan CaCO3 bởi CO2... vì vậy học sinh thường xét thiếu nghiệm.

Đa số các em học sinh có năng lực học tập trung bình và yếu có thể có kiến thức các phần riêng biệt, nhưng sự tổng hợp các kiến thức đó lại trong một vấn đề cần giải quyết thì hạn chế.

Mặt khác nhiều em chưa có khả năng phân tích các dự kiện bài toán, để từ đó xâu chuỗi chúng lại thành một kiến thức thống nhất, logíc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ