Dạy trẻ tự kỷ: Cha mẹ mới là người quyết định sự tiến bộ của con em mình

GD&TĐ - Chia sẻ trong buổi ra mắt seri “Sách cho trẻ tự kỷ” do mình chủ biên, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, cho rằng, cha mẹ vai trò rất lớn đối với trẻ tự kỷ, là người quyết định trong sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Giáo viên chỉ can thiệp được 1-2 giờ/ngày, còn 14-15 giờ trong ngày phải do chính bố mẹ.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (bên trái)
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (bên trái)

Việt Nam có gần 1 triệu trẻ tự kỷ

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, người đã có hơn 15 năm gắn bó với trẻ tự kỷ cho biết: Tự kỷ hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu. Theo thống kê, ở nước ta ước tính có gần 1 triệu trẻ tự kỷ, đồng nghĩa là 2 triệu bố mẹ, 4 triệu ông bà, 1 triệu anh/chị/em bị tác động trực tiếp. Như vậy, có gần 8 triệu người ảnh hưởng trực tiếp - đó là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến nhiều người nhưng tự kỷ chưa được quan tâm.

Thực tế, chăm sóc những em bé bình thường vốn đã không đơn giản. Nuôi dưỡng những em bé đặc biệt có lẽ là một “sứ mệnh” mà khó có ngôn từ nào diễn tả được hết ý nghĩa thiêng liêng của nhiệm vụ ấy.

Trong đó, thái độ của bố mẹ các em sẽ quyết định tới sự tiến bộ của trẻ tự kỷ. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ sớm tiến bộ.

Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, những mặc cảm, sự sỹ diện với họ hàng, làng xóm đã khiến không ít các gia đình giấu diếm việc con em mắc hội chứng tự kỷ, vẫn cho các em đến trường học với các bạn bình thường mà không phải các trường chuyên biệt. Điều đó dẫn tới, các em không những không tiến bộ mà sẽ trở nên thụt lùi về các kỹ năng tương tác.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm tại buổi ra mắt "Sách cho trẻ tự kỷ"
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm  tại buổi ra mắt "Sách cho trẻ tự kỷ"

Cũng theo GS Liêm, việc dạy trẻ tự kỷ là công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Không ai khác, chính cha mẹ các em mới là người quyết định sự tiến bộ của con em mình.

Những kỹ năng đơn giản như: dạy trẻ đánh răng, cầm đũa, tự vệ sinh cá nhân… với trẻ tự kỷ phải dạy nhiều lần, cần nhiều thời gian. Thời gian ở nhà mới thực sự quan trọng để cha mẹ gần gũi, hướng dẫn con.

Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc các bậc phụ huynh mải miết với công việc đã khiến cho việc gần gũi và giáo dục trẻ tự kỷ càng trở nên khó khăn hơn.

Trẻ tự kỷ có rất nhiều thiệt thòi

Ở các nước phát triển, một đứa trẻ tự kỷ cần 4-5 chuyên gia khác nhau phối hợp: Bác sĩ tâm thần nhi, chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục đặc biệt, trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ phục hồi chức năng. Ở Việt Nam, trẻ tự kỷ có rất nhiều thiệt thòi.

Khi có con tự kỷ, cha mẹ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn như thông tin thiếu thốn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Với các cha mẹ thành đạt thì có sự sĩ diện lớn, giấu diếm, không đưa con đi can thiệp. Các cha mẹ bận công việc, không có thời gian, thiếu kinh nghiệm thực hành, không có sự kiên trì để dạy con. Trong khi đó, học phí cho trẻ tự kỷ khá cao. Việc không học thường xuyên sẽ khiến kết quả rất hạn chế.

Một trong những khó khăn nổi bật, theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, đó là đội ngũ giáo viên can thiệp rất thiếu, chưa được đào tạo can thiệp chuyên nghiệp, bài bản, trung tâm can thiệp rất ít.

"Cần xây dựng một chương trình giáo dục, can thiệp dựa vào gia đình, bằng các lớp đào tạo cho cha mẹ và giúp họ trở thành giáo viên cho chính con mình. Đây là cách tiếp cận tốt nhất trong bối cảnh hiện nay - đòi hỏi ít kinh phí nhất nhưng có thể giúp cho nhiều trẻ em ở nông thôn, miền núi, các gia đình có thu nhập thấp tiếp cận được các phương pháp can thiệp hiện đại. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ của các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ