Cách đây mấy ngày, thông tin về một nam sinh lớp 9 dũng cảm cứu 3 em nhỏ thoát đuối nước đã khiến nhiều người khâm phục. Nam sinh dũng cảm ấy là em Vũ Văn Hùng (lớp 9A Trường THCS Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa). Nghe tiếng kêu cứu của một tốp HS, em đã lao xuống sông cứu các bạn thoát khỏi tử thần. Ngay sau đó, Hùng được UBND huyện Ngọc Lặc tuyên dương, khen thưởng. Hành động của em đã chạm đến cảm xúc của rất nhiều người và nhân lên niềm tin vào GD trong nhà trường.
Còn nhớ, câu chuyện về một nam sinh Hải Phòng vô tình làm vỡ gương ô tô và để lại lời xin lỗi chân thành với chủ xe đã khiến nhiều người cảm động. Sự việc xảy ra cách đây gần 3 năm nhưng hành động đẹp ấy vẫn được nhắc đến như một bài học chân thực, sống động về văn hóa ứng xử và sự tử tế. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc nhiều đến GD trong nhà trường, rằng đó là kết quả của một nền GD tốt.
Cuộc sống quanh ta còn biết bao việc làm tốt, hành động đẹp; nhìn ngay ở ngành GD, chúng ta đã thấy nhiều tấm gương để soi vào. Đó là cậu bé nhịn ăn sáng để ủng hộ đồng bào bị bão lụt; là cô Nguyễn Thùy Linh - giáo viên dạy trẻ tự kỷ đã tự nguyện hiến tạng của mình ngay trong ngày sinh nhật, bởi với cô: Cho đi là còn mãi. Hay những thầy, cô giáo luôn hết lòng vì học trò, sẵn sàng bỏ tiền túi để mua sách vở, quần áo và nhận nuôi học trò nghèo... Và xã hội sẽ trở nên tốt đẹp nếu mỗi người tự biết nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những giá trị sống tốt đẹp. Đó là sự tử tế.
Tuy nhiên, có một thực tế khiến không ít người trăn trở là, dù GD có vô vàn việc tử tế, người tốt nhưng lại rất ít được chia sẻ, trong khi chỉ cần một thông tin tiêu cực thì cũng có thể sẽ trở thành “bữa tiệc” cho mạng xã hội và báo chí. Nhiều người nói GD đang phải đối diện với thái độ lạnh lùng, vô cảm của dư luận xã hội. Bức tranh ngành GD trong thời gian qua đang bị nhìn nhận méo mó do quá nhiều thông tin tiêu cực được lan truyền.
Trong vô vàn những ý kiến trái chiều, thậm chí là chỉ trích nhà trường, thầy, cô giáo, đã bao giờ có ai tự hỏi: Tại sao mình không chia sẻ những việc làm tử tế? Tại sao báo chí và mạng xã hội không chia sẻ việc này nhiều hơn? Nói như một Tổng biên tập một tờ báo, những câu chuyện đời thường dung dị, không hề giật gân nhưng vẫn thu hút một lượng lớn độc giả đón đọc, không kém những tin bài nóng nhất. Ai cũng biết, GD là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng đâu đó gia đình và xã hội vẫn chưa làm tròn vai của mình.
Còn nhớ, một đại biểu Quốc hội từng nói, nền GD sẽ làm dịu đi những xung đột, hàn gắn tổn thương qua công bằng, yêu thương, không phân biệt đối xử và người thầy có vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Tin rằng, những hành động đẹp như của em Hùng, của cô giáo hiến tạng và hàng trăm, hàng nghìn việc làm tốt của các nhà giáo, học sinh sẽ lan toả niềm tin về những gì tốt đẹp mà GD mang lại, đó là sự tử tế.