Chuẩn bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh trước khi vào bài học mới
Việc củng cố trình độ xuất phát về tri thức và kĩ năng là một chức năng của quá trình dạy học.
Nhấn mạnh điều này, cô Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, để thực hiện chức năng này, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có bài tập thí nghiệm.
Tuy nhiên, khi sử dụng đòi hỏi phải có thời gian, vì muốn giải được bài tập thí nghiệm, ngoài việc sử dụng vốn kiến thức đã có vào tình huống cụ thể của bài toán, học sinh còn phải xây dựng phương án, tiến hành thí nghiệm mới rút ra được kết luận do đó khó sử dụng vào đầu giờ học.
"Muốn sử dụng, bài tập thí nghiệm phải ngắn gọn, có nội dung, phương pháp liên quan đến bài học mới hoặc giao cho học sinh những bài tập thí nghiệm để học sinh thực hiện ở nhà, đến lớp giáo viên chỉ kiểm tra các tri thúc và kĩ năng có liên quan" - cô Mai Hương chia sẻ.
Giờ bài tập Vật lí có sử dụng bài tập thí nghiệm ở trên lớp
Theo cô Nguyễn Thị Mai Hương, đa số các giờ học bài tập Vật lí được sử dụng sau khi học sinh học xong tài liệu mới.
Giờ học bài tập Vật lí có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn xây dựng phương pháp giải bài tập, giai đoạn rèn luyện kỹ năng (là quá trình luyện tập vận dụng phương pháp đã có để giải các bài tập tương tự).
Các bài tập thí nghiệm được sử dụng trong giai đọan thứ hai. Sau khi học sinh đã làm thành thạo các bài tập, tỏ ra nắm vững các kiến thức cơ bản thuộc một phần nào đó và phương pháp vận dụng chúng giải các bài toán cụ thể thông thường, giáo viên cho học sinh các bài tập thí nghiệm về nhà.
Trong giờ học làm bài tập vật lí là sự thảo luận của học sinh về các lời giải khác nhau, giáo viên đóng vai trò trọng tài.
Quan sát, thí nghiệm Vật lí ở nhà, qua tham quan, dã ngoại
Lưu ý thời gian trên lớp là rất hạn chế, mặt khác bài tập thí nghiệm thường chiếm thời gian lớn của tiết học, vì vậy cô Hương cho biết hầu hết các bài tập thí nghiệm được học sinh giải ở nhà; giờ bài tập trên lớp chỉ là giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn mà đa số các em gặp phải.
Bên cạnh đó, đối tượng nghiên cứu của Vật lí học có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Vì vậy, nhận thức Vật lí cũng có thể tiến hành trong mọi hoàn cảnh nêu giáo viên biết gợi ý cho học sinh suy nghĩ, biết đặt câu hỏi phù hợp với hoàn cảnh.
Phương pháp giải bài tập thí nghiệm Vật lí
Bài tập thí nghiệm vừa là bài tập vừa là thí nghiệm việc giải nó có hiệu quả cao cho sự phát triển tư duy của học sinh.
Để đạt được điều đó, cô Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ các bước giải bài tập thí nghiệm vật lý như sau:
Bước 1: Đọc đề bài, hiểu rõ câu hỏi của bài toán, phân tích bản chất Vật lí của bài toán
Bước 2: Phân tích nội dung bài tập:
- Bài tập thuộc loại nào?
- Nội dung đề cập đến những kiến thức Vật lí nào?
- Đại lượng nào đã cho, đại lượng nào cần tìm?
- Mối quan hệ giữa các đại lượng cần tìm?
- Có những đặc trưng định tính, định lượng nào đã biết và chưa biết? Mối quan hệ đó biểu hiện ở những quy tắc, định luật, khái niệm nào?
Bước 3: Thực hiện giải: Tính toán, lập luận, trình bày lời giải, (nếu có thể giải bằng lí thuyết). Hoặc lập phương án thí nghiệm, quan sát để thu thập số liệu.
Bước 4: Tiến hành thí nghiệm, quan sát hiện tượng, ghi nhận số liệu và xử lí kết quả.
Bước 5: Đánh giá kết quả và trả lời câu hỏi của bài toán.
Bài tập thí nghiệm vật lí rất đa dạng, phong phú, có thể có nhiều mức độ yêu cầu, từ đơn giản đến phức tạp.
Với nhiều hình thức ra đề khác nhau, giáo viên có thể khai thác sử dụng bài tập thí nghiệm ngay trong điều kiện cơ sở vật chất trang bị chưa được đồng bộ và hiện đại.
Tuy nhiên, trong thực tiễn giảng dạy, bài tập thí nghiệm vẫn chưa khai thác hiệu quả, tài liệu về bài tập thí nghiệm còn rất ít, cần có biện pháp khắc phục nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tư duy cho học sinh, nâng cao hiệu quả quá trình dạy học".