Sẵn sàng “học” cùng trò đến 2 giờ sáng
Chia sẻ về bí quyết làm nên những thành tích đặc biệt của một trường miền quê nghèo, thầy hiệu trưởng Lê Văn Dỵ nhiều lần tự hào nhắc đến cách làm riêng, mà theo khảo sát của thầy “chưa có nơi nào làm”; đặc biệt là sự đam mê, nhiệt tình hiếm có từ lãnh đạo nhà trường đến từng giáo viên.
Năm 2017, thông tin Nguyễn Hải Đăng – cựu học sinh lớp 12T1, trường THPT Quảng Xương 1 - đạt 3 điểm 10 ở tổ hợp các môn khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) trong kỳ thi THPT quốc gia làm nức lòng gia đình và thầy cô. Nhắc về học trò đặc biệt của mình, thầy Lê Văn Dỵ cho biết, khi phát hiện ra khả năng của Hải Đăng, cách 3 tháng trước kỳ thi, trường đã tiến hành bồi dưỡng theo phương pháp riêng. Vì thời gian biểu học tập khá đặc biệt của học trò, giáo viên thậm chí đẩy bài tập vào mail cho Đăng vào lúc 2 giờ sáng. “Giáo viên còn đến tận nhà của Nguyễn Hải Đăng để trao đổi với gia đình về việc học tập của học sinh” – thầy Lê Văn Dỵ chia sẻ.
Việc có kế hoạch dạy học chi tiết đến từng học trò, đặc biệt trước mùa thi có lẽ là một “đặc sản” của Trường THPT Quảng Xương 1.
Đầu năm lớp 12, các thầy cô chủ nhiệm làm đầu mối, cùng giáo viên bộ môn trao đổi với phụ huynh, cùng tư vấn, định hướng để học sinh lựa chọn bài thi tổ hợp phù hợp với năng lực; từ đó xếp lớp ôn theo nguyện vọng đăng ký của học sinh. Kết thúc chương trình chính khóa lớp 12, trường bắt đầu giai đoạn ôn tập cấp tốc; theo đó, phân loại học sinh thành 4 đối tượng: Học sinh phấn đấu đạt 27 điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển vào đại học; học sinh phấn đấu thi đỗ vào các trường đại học top trên; học sinh có nguyện vọng vào đại học; học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Chương trình dạy được soạn riêng cho mỗi đối tượng, thậm chí chi tiết đến từng học sinh.
“Từ năm 2017, nhà trường đã biết tinh thần kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có khoảng 20% chương trình lớp 11 và khoảng 80% chương trình lớp 12. Do đó, từ năm lớp 11, chúng tôi đã có chương trình ôn luyện phù hợp cho các em. Sau mỗi lần ôn tập, nhà trường lại tổ chức sát hạch lại học sinh. Kết quả sát hạch là một những tiêu chí đánh giá giáo viên. Khi áp dụng các này, kết quả nâng lên rõ rệt” – thầy Lê Văn Dỵ cho hay.
Hiệu quả dạy học đứng hàng đầu của tỉnh tại Trường THPT Quảng Xương 1 còn phần lớn nhờ đội ngũ giáo viên rất mạnh. Trường này có đến 45% giáo viên giỏi cấp trường, 30% giáo viên giỏi cấp tỉnh. Năm học 2017-2018, một giáo viên của trường đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp quốc gia.
“Yếu tố quan trọng nhất giúp Trường từ đầu vào chỉ ở mức khá, nhưng đầu ra lại luôn đứng top đầu là từ xây dựng đội ngũ; trong đó thiết thực nhất là yêu cầu thầy cô phải ra được đề thi chuẩn. Để có được đề thi đạt yêu cầu, giáo viên phải đọc rất nhiều tài liệu, từ đó tự nâng trình độ, tay nghề lên rất nhiều” – thầy Hiệu trưởng chia sẻ.
Năm nay, Trường THPT Quảng Xương 1 có 509 học sinh lớp 12 dự thi THPT quốc gia ngay tại trường. Sau khi kết thúc chương trình chính khóa năm học 2017-2018, thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nhà trường đã tổ chức cho học sinh khối 12 ôn tập đến hết ngày 19/6 theo tinh thần tự nguyện. Học sinh được lựa chọn thầy cô dạy, môn học và số buổi học. Hiện tại, có 97% học sinh của trường tham gia ôn luyện tại trường.
Học sinh Trường THPT Quảng Xương 1 tập trung ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Hồ Lài |
Hơn 1.000 học sinh trong tỉnh muốn “ké” kì thi sát hạch
Để tăng hiệu quả ôn tập, giúp học sinh làm quen với đề thi, ngoài chuẩn bị hệ thống đề tương tự đề thi tham khảo cho học sinh ôn luyện tại nhà, thầy Lê Văn Dỵ cho biết, nhà trường còn tổ chức các kỳ thi khảo sát với cách làm chuyên nghiệp, nghiêm túc từ khâu coi thi, chấm thi, đặc biệt chú trọng chất lượng ra đề thi.
Đề thi của trường đều do tổ chuyên môn dày công biên soạn, bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Điều này giúp phân loại chính xác đối tượng học sinh, giúp từng em đánh giá đúng thực lực của mình. Đây cũng là điều kiện để học sinh lớp 12 tập dượt kỹ càng trước kỳ thi THPT quốc gia. Dựa vào kết quả thi khảo sát, trường đánh giá, điều chỉnh, thay đổi phương pháp dạy học của thầy trò cho phù hợp.
Kỳ thi khảo sát của Trường uy tín đến nỗi, rất nhiều học sinh từ trường khác, thậm chí cách xa 60-70 cây số cũng đến cùng tham dự.
“Đợt khảo sát 27/5 vừa rồi, có đến 1.300 học sinh từ khắp nơi của tỉnh Thanh Hóa đến để cùng tham gia, trong đó có cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Cùng gần 500 học sinh trong trường, tổng số thí sinh dự kỳ thi khảo sát mới đây nhất của trường lên tới con số 1.800. Tuy nhiên, khâu tổ chức được trường thực hiện rất nhẹ nhàng, tạo được khả năng coi thi, chấm thi rất chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường” – Thầy Lê Văn Dỵ cho hay.
Bên cạnh giáo dục mũi nhọn, nhà trường còn quan tâm tới phát triển toàn diện, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Rất nhiều câu lạc bộ trong nhà trường được tổ chức, cùng nhiều hoạt động ngoại khóa. Thông qua các hoạt động ý nghĩa là cách nhà trường xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, gần gũi với học sinh.