“Đây là phương án hoàn toàn hợp lý, với phương án này, những nhược điểm của điểm sàn trước đây đã được khắc phục. Tôi thấy rằng, nội dung phương án đã tính đến đặc điểm, đặc thù của các trường, kể cả trường công và trường tư, cũng như đã tính đến các yếu tố vùng miền” - PGS.TS Hoàng Văn Cẩn khẳng định.
Đồng ý với quan điểm: Việc công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường ĐH, CĐ nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn bổ sung thêm, điều này cũng giúp thí sinh chủ động chọn được trường phù hợp với năng lực
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đặc biệt tâm đắc với quy định cho phép các trường tự xác định môn chính trong từng khối thi phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng ngành đào tạo. Đồng thời, cũng cho phép các trường quy định điểm xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính…
Ông lý giải: Trên thực tế, học sinh không phải em nào cũng học đều các môn thi vào ĐH, CĐ như nhau. Mỗi em có một năng khiếu, sở thích và năng lực sở trường.
Với môn thi chính có nhân hệ số, sẽ giúp học sinh tự tin và cố gắng hơn khi làm bài môn thi chính - cũng là môn liên quan trực tiếp đến chuyên ngành, công việc tương lai các em theo đuổi.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp; theo tôi còn thêm tác dụng tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các học sinh khi các em lựa chọn ngành nghề theo đúng năng lực, sở trường.
“Cũng chính đây là điểm khắc phục được hạn chế của điểm sàn trước đây” - PGS.TS Hoàng Văn Cẩn khẳng định.