Cách làm này cũng phù hợp với yêu cầu, mục tiêu đào tạo của từng ngành học mà ở đó Bộ và các trường đại học, cao đẳng phải chịu trách nhiệm trước người học, phụ huynh và xa hơn là toàn xã hội.
Tuy nhiên, về mức điểm xét tuyển cơ bản, theo dự thảo có 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển, theo ông Tĩnh còn dàn trải.
“Để từng bước phân tầng cơ sở giáo dục đại học như mục tiêu của Bộ thì chỉ cần tối đa là 2 mức điểm xét tuyển cơ bản. Lý do tôi đưa ra ý kiến này là phân tầng cũng phải có tiêu chí của nó, càng nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản càng khó phân tầng” - Ông Tĩnh bày tỏ.
Với nội dung chọn môn chính của khối thi nhân hệ số 2, theo ông Tĩnh, đối với các ngành công nghệ, khoa học tự nhiên, văn hóa nghệ thuật sẽ thuân lợi hơn nhiều so với khối xã hội nhân văn.
“Đây thực sự là vấn đề nhạy cảm cho các ngành tuyển khối C (Văn, Sử, Địa lý). Những năm gần đây, điểm tuyển sinh khối C môn Địa lý có kết quả cao nhất, tiếp đến là môn Văn và sau cùng là môn Lịch sử. Cho nên chọn môn nào là môn được nhân hệ số 2 của khối C, theo tôi không đơn thuần là biện pháp cơ học” - Ông Tĩnh nhận định.