Bởi theo ông, sau một thời gian nghiên cứu, tham khảo ý kiến đã "chốt" được qui định xét tuyển mới phù hợp với việc giao quyền tự cho các nhà trường và khắc phục được hàng loạt các nhược điểm của qui định điểm sàn đơn tiêu chí trước đây.
Nhu cầu bức thiết phải thay thế điểm sàn cũ
TS Nguyễn Hoàng Việt phân tích: Một trong những đổi mới quan trọng trong công tác tuyển sinh năm 2014 đã được Bộ GD&ĐT đề xuất là "thay thế một điểm sàn duy nhất bằng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào” để các trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Năm 2002, Bộ GD&ĐT bắt đầu tổ chức tuyển sinh “ba chung” (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả) trên toàn quốc và 2 năm sau thêm quy định điểm sàn (là tổng điểm 3 môn theo khối thi và chưa nhân hệ số) xác định trên cơ sở kết quả thi của thí sinh và chỉ tiêu phân bổ cho các trường với một hệ số dự trữ khá lớn (có tính đến đặc điểm vùng miền và sự dịch chuyển của thí sinh).
Thời gian đầu khái niệm điểm sàn trên là hợp lý và tạo được ngưỡng đánh giá chất lượng đầu vào tối thiểu cho các trường xét tuyển thí sinh dự thi vào ĐH, CĐ. Tuy vậy sau 10 năm triển khai (từ 2004 đến 2013) điểm sàn này bắt đầu bộc lộ những bất cập:
Thứ nhất: Do số lượng các trường ĐH, CĐ tăng lên rất nhanh, tạo nên sự phân tầng rõ rệt giữa các trường về năng lực và uy tín đào tạo, vì thế "điểm sàn" duy nhất trên không thể đảm bảo thỏa mãn nhu cầu về tuyển sinh cho tất cả các loại trường.
Với một điểm sàn chung, các trường tốp trên dễ dàng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng các trường tốp dưới thì rất khó khăn. Nhiều năm liên tiếp gần đây, số lượng các trường ĐH, CĐ tuyển không đủ chỉ tiêu ngày càng tăng, nhất là các trường ngoài công lập.
Thứ hai: Số lượng ngành nghề trong các trường cũng ngày càng tăng. Các trường có xu hướng phát triển theo dạng đa ngành. Nên bên cạnh những ngành mũi nhọn truyền thống các trường còn mở thêm nhiều ngành mới khác theo nhu cầu của xã hội hiện đại.
Các ngành mới mở vì nhiều lý do (như công tác quảng bá chưa sâu rộng, năng lực và uy tín đào tạo chưa được khẳng định, ...) nên chưa thu hút được thí sinh.
Ngoài ra còn có cả những ngành đầu ra khó khăn, khó tìm kiếm việc làm hoặc thu nhập thấp cũng khó tuyển đủ chỉ tiêu. Vì thế trong việc đánh giá chất lượng đầu vào cũng cần chú ý đến đặc điểm này.
Tiêu chí điểm sàn cũ tính tổng 3 môn chưa nhân hệ số cho mỗi khối thi chưa phản ánh được sự khác biệt giữa các ngành nghề trong cùng một khối, trong khi mỗi ngành có thể chỉ cần tuyển các thí sinh có năng lực nhất ở một môn thi nào đó gọi là "chính" còn các môn khác không yêu cầu thí sinh có kết quả cao.
Sự bất cập trên trong vài năm gần đây ngày càng rõ rệt và tạo ra nhu cầu bức thiết phải thay thế "điểm sàn" cũ bằng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào nào đó hợp lý hơn.
Quyết định thể hiện rõ việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ
Bộ GD&ĐT đã rất thận trọng, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định một vấn đề ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Để xây dựng tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào mới, Bộ GD&ĐT đã thận trọng dự thảo 5 phương án để lấy ý kiến rộng rãi của các trường ĐH, CĐ và của dư luận xã hội.
Các phương án này đều đặt trên các yêu cầu chung là bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng vừa phải bảo đảm được nguồn tuyển cho các trường ĐH, CĐ, đồng thời bảo đảm được cân đối trong phân luồng học sinh sau THPT vào các loại hình đào tạo khác nhau.
Sau khi tổng hợp ý kiến tại các hội thảo và đóng góp ý kiến của các nhà trường, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tối ưu nhất. Trước khi ban hành, Bộ tiếp tục tham khảo ý kiến của xã hội.
Việc chia ra nhiều mức xét tuyển dựa trên phổ điểm kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc có cùng khối thi để các trường lựa chọn là một điểm rất mới của qui định này. Các trường tốp trên không mấy bận tâm vì đằng nào điểm chuẩn vào trường cũng cao chót vót.
Tuy nhiên đây là bài toán "cân não" của những trường tốp trung bình và tốp dưới! Chọn mức dưới để tuyển đủ chỉ tiêu hay chọn mức trên để xây dựng uy tín, dù có thiếu chút ít chỉ tiêu? Điều này đòi hỏi sự suy nghĩ, đắng đo của lãnh đạo nhà trường.
Khác với trước đây, chỉ có một điểm sàn duy nhất, trường nào cũng tuyển từ điểm sàn trở lên, "cá mè một lứa" không ai để ý đến "đẳng cấp" của trường mình!
Tôi cho rằng quyết định này của Bộ đã thể hiện đầy đủ việc giao tự chủ cho các nhà trường. Các trường phải tự quyết định tương lai phát triển của mình bằng lựa chọn những bước đi chiến lược.
Điều tôi tâm đắc nhất là Bộ cho phép các trường tự chọn và công bố môn thi chính (nếu có) để tuyển sinh theo năng lực. Điều này hoàn toàn giải quyết được các bất cập do một điểm sàn duy nhất gây ra.
Thực tế tuyển sinh vào ĐHĐN những năm qua, với qui định điểm sàn cũ nhiều thí sinh có điểm môn chính rất thấp cũng trúng tuyển vì những môn khác điểm cao.
Ngược lại những thí sinh có điểm môn chính cao nhưng đành "ngậm ngùi rời cuộc đua" vì các môn còn lại điểm thấp chưa đạt điểm sàn!
Ví dụ khối A, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành là 15, theo qui định mới thì điểm chuẩn trúng tuyển có tính hệ số là 20. Thí sinh thứ nhất có điểm thi Toán 7, Lý 3, Hóa 4; Thí sinh thứ hai có điểm thi Toán 3, Lý 5, Hóa 7.
Nếu ngành chọn Toán là môn chính thì thí sinh thứ nhất (21 điểm) đậu, thí sinh thứ hai rớt (18 điểm).
Trong khi đó nếu theo qui định điểm sàn cũ thì ngược lại, thí sinh thứ nhất rớt (14 điểm) trong khi thí sinh thứ hai có môn chính rất yếu lại đậu (15 điểm).