Qui định xét tuyển mới phù hợp xu hướng tuyển sinh theo năng lực

GD&TĐ - "Xét cả trên khía cạnh thực tiễn, khoa học, và luật pháp, tôi hoàn toàn đồng tình với các qui định mới của Bộ GD&ĐT về xét tuyển vào ĐH, CĐ" -  PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Qui Nhơn khẳng định khi trao đổi với Giáo dục và Thời đại.

Qui định xét tuyển mới phù hợp xu hướng tuyển sinh theo năng lực
 PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ

PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ phân tích:


Theo tôi, qui định về ngưỡng xét tuyển thay thế điểm sàn mà Bộ vừa công bố có hai điểm mới cơ bản: Một là chia phổ điểm kết quả thi của thí sinh trong cả nước theo mỗi khối thi thành nhiều mức xét tuyển để các trường tự lựa chọn; Hai là đưa ra nguyên tắc để các trường xác định điểm xét tuyển vào trường hay vào từng ngành với môn chính được nhân hệ số.

Điều kiện đảm bảo chất lượng được qui định rõ ràng là điểm trung bình mỗi môn thi của điểm chuẩn xét tuyển dù có nhân hệ số hay không nhân hệ số không được thấp hơn ngưỡng tối thiểu qui định cho mỗi khối thi. Điều này giải tỏa được sự lo lắng của dư luận bấy lâu nay là khi không còn điểm sàn thì đồng nghĩa với chất lượng đầu vào bị buông lỏng.

Việc chia phổ điểm thành nhiều cấp độ nhằm phân khúc nguồn tuyển và từng bước thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở đào tạo theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học vừa có hiệu lực. Các trường cân nhắc và tự lựa chọn mức xét tuyển phù hợp qua đó khẳng định uy tín của mình trong xã hội. 

"Đầu vào" chỉ mới là một trong những điều kiện cơ bản, chất lượng đầu ra phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo nhưng mức xét tuyển đầu vào cũng là thông điệp quan trọng để khẳng định vị thế của nhà trường trong xã hội. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ

Trước đây, chỉ có một mức điểm sàn khiến nhiều trường tốp trung bình và tốp dưới đồng loạt xét tuyển từ điểm sàn trở lên, gây khó khăn về nguồn tuyển đối với những trường mới thành lập, những trường chưa tạo lập được uy tín.

Nay nếu Bộ chia thành nhiều mức, ví dụ như M1, M2, M3, M4 theo thứ tự có 20%, 30%, 40%, 50% tổng số thí sinh đạt... thì các trường sẽ cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định lựa chọn mức nào phù hợp nhất có thể.

Khi chọn mức điểm xét tuyển thì nhà trường cũng mặc nhiên công khai cho xã hội biết "đẳng cấp" của trường mình nằm ở đâu. 

Mặt khác, qui định mới về mức điểm xét tuyển khi môn chính có nhân hệ số trong qui định này là rất khoa học. 

Trước đây, khi tuyển sinh vào một số ngành yêu cầu thí sinh có năng lực tốt môn chính các trường cũng nhân hệ số môn này trong xét tuyển. Tuy nhiên việc nhân hệ số môn chính chỉ được thực hiện đối với những thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn. Điều này khiến cho nhiều thí sinh có năng lực thực sự, kết quả môn chính cao nhưng những môn còn lại thấp cũng không đạt điểm sàn xét tuyển. 

Qui định mới cho phép các trường hoặc chọn điểm chuẩn xét tuyển cơ bản (chưa nhân hệ số) hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành nghề đào tạo. 

Theo tôi, đây là một qui định rất thực tế, khoa học và đặc biệt là nhân văn, giúp cho những thí sinh có năng lực không bỏ lỡ cơ hội học tập của mình.

Hơn 10 năm nay chúng ta thực hiện kỳ thi "3 chung". Tính ưu việt của kỳ thi này ai cũng thấy rõ nhưng bên cạnh đó vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Một trong những bất cập đó là qui định về điểm sàn đơn tiêu chí và quá cứng nhắc. 

Trên thực tế, Bộ GD&ĐT cũng đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau để thay thế điểm sàn. Việc đổi mới tuyển sinh càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Luật Giáo dục Đại học. 

Như vậy, đến nay Bộ đã đưa ra được phương án thay thế điểm sàn rất thực tiễn và khoa học, tạo điều kiện cho các trường thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội trong tuyển sinh, giúp cho những thí sinh có năng lực thực sự có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mà mình yêu thích.

Tôi tin tưởng rằng việc áp dụng các qui định này sẽ góp phần đẩy mạnh việc phân tầng, xếp hạng các trường đại học, cao đẳng; đồng thời hướng dần việc tuyển sinh theo năng lực để nâng cao chất lượng đào tạo - Một đòi hỏi sống còn đối với tất cả các cở đào tạo trong môi trường hoạt động mới: Hội nhập và cạnh tranh.

Trường Đại học Quy Nhơn là trường đa ngành. Những mùa tuyển sinh vừa qua chúng tôi nhận được phản ảnh của rất nhiều phụ huynh và thí sinh có năng lực rất tốt đối với môn chính của ngành đăng ký học nhưng phải ngậm ngùi đứng ngoài cuộc xét tuyển vì không đạt điểm sàn.

Nhiều thí sinh thi vào ngành tiếng Anh, Sử, Địa... có điểm rất cao môn chính của ngành nhưng không được xét tuyển vì những môn còn lại kết quả không cao. Nay với qui định mới này, những trường hợp nói trên có nhiều khả năng trúng tuyển. 

Ngược lại có những thí sinh có kết quả thi trên mức xét tuyển cơ bản vẫn có khả năng trượt vào những ngành có nhân hệ số môn chính. Đương nhiên những thí sinh này có cơ hội xét tuyển vào những ngành không nhân hệ số môn chính.

Như vậy xét cả trên khía cạnh thực tiễn, khoa học, và luật pháp, tôi hoàn toàn đồng tình với các qui định mới của Bộ về xét tuyển vào đại học, cao đẳng. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ