UNICEF ước tính 1,6 tỷ học sinh toàn cầu đã trở thành nạn nhân. Trong khi đó, phục hồi giáo dục toàn cầu mang đến cơ hội duy nhất để xây dựng lại hệ thống tốt hơn, đồng thời kết hợp phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc cho trẻ.
Học tập hiệu quả qua hoạt động vui chơi
Báo cáo của Quỹ từ thiện LEGO (Thụy Điển) đã nêu kinh nghiệm của 6 nước là Úc, Colombia, Phần Lan, Peru, Nam Phi và Hàn Quốc. Họ đã cố gắng cải cách hệ thống giáo dục của mình bằng các chiến lược khác nhau để nâng cao kỹ năng xã hội và cảm xúc của học sinh.
Cải cách giáo dục có thể cực kỳ phức tạp, đặc biệt là ở các quốc gia đang trải qua bất ổn chính trị, bạo lực, nghèo đói cùng cực với nguồn lực khan hiếm.
Ví dụ, theo truyền thống, hệ thống giáo dục Colombia không chỉ tập trung vào phát triển năng lực xã hội và cảm xúc, mà tập trung vào sự lặp lại nội dung đã học. Các nhà hoạch định chính sách nhận thấy việc cho trẻ em tham gia các trò chơi đóng vai giúp các em trân trọng những quan điểm khác nhau. Do đó, các trò chơi đang được tích cực sử dụng như một phần của chương trình giảng dạy để hỗ trợ các em phát triển những kỹ năng toàn diện.
Người ta hy vọng việc thúc đẩy các kỹ năng xã hội và cảm xúc sẽ là công cụ để giảm mức độ bạo lực cao trong xã hội và do đó giúp xây dựng một thế hệ mới, định hướng xã hội một cách tích cực.
Tương tự, ở Peru, các nhà hoạch định chính sách đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng giáo dục. Năm 2012, nước này xếp cuối cùng trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Để cải thiện, họ đã tìm cách tăng cường việc học tập dựa trên năng lực ở trường học, tạo điều kiện cho sự phát triển của học sinh. Họ tập trung chương trình giảng dạy vào “con người toàn diện”. Giờ đây, trẻ em được dạy cách tự điều chỉnh cảm xúc của mình, đồng thời tạo dựng bản sắc cá nhân mạnh mẽ thông qua học tập vui chơi và dựa trên dự án.
Các động cơ có thể khác nhau, nhưng mục tiêu phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc cho học sinh không khác nhau, trẻ em và cộng đồng là những người hưởng lợi.
Có thể thấy, giá trị của việc trang bị cho trẻ em những kỹ năng mới ở Nam Phi. Để khuyến khích xã hội nhận thức được những lý tưởng giáo dục chung, Ủy ban Điều phối Giáo dục quốc gia Nam Phi đã đi tiên phong với việc coi những gì được đặt ra là “giáo dục của mọi người”, giúp họ hiểu được lợi ích nó mang lại trong một hệ thống thời hậu phân biệt chủng tộc. Điều này rất cần thiết khi khái niệm và hình ảnh bản thân của người dân bị suy giảm sau nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử và bóc lột có hệ thống.
Chủ đề “Định hướng cuộc sống”, được thực hiện như một phần của cải cách chương trình giảng dạy, nhằm nâng cao quan niệm và hình ảnh bản thân tích cực thông qua một lĩnh vực chủ đề được gọi là “Xây dựng mối quan hệ”. Trẻ em được dạy cách thúc đẩy mối quan hệ tích cực với bản thân, người xung quanh và xã hội rộng lớn hơn. Hoạt động vui chơi thường được sử dụng trong các trường học ở Nam Phi như một cơ chế để dạy những giá trị cốt lõi này.
Giảm áp lực cho học sinh
Tại Hàn Quốc, động lực cải cách lại khác. Áp lực đối với học sinh trong việc học tập để vào các trường đại học danh tiếng đã tổn hại đến sự phát triển cá nhân và khiến các em phải hy sinh các hoạt động ngoại khóa. Các nhà hoạch định chính sách tin tưởng vào sức mạnh chuyển đổi của giáo dục. Họ đã thực hiện một loạt cải cách để chuyển đổi từ hệ thống giáo dục dựa trên thử nghiệm sang một hệ thống tập trung vào đa dạng hóa giáo dục. Họ thành lập các trường dạy nghề như một giải pháp thay thế khả thi cho đại học và khi lựa chọn này trở nên hấp dẫn hơn, áp lực vào các trường đại học danh tiếng sẽ giảm bớt. Điều này đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực sáng tạo, có kỹ năng đa dạng, đồng thời cải thiện sức khỏe của trẻ em bằng cách giảm căng thẳng.
Tại Úc, Hội đồng Chương trình quốc gia đầu tiên được thành lập năm 2008, nhưng đến năm 2015, các cuộc cải cách mới hoàn thành. Các cuộc cải cách này đã thiết lập chương trình giảng dạy quốc gia đầu tiên của Úc tách rời hệ thống liên bang. Các nhà hoạch định chính sách bảo đảm hệ thống mới hướng ra bên ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều tiến bộ về công nghệ và những áp lực toàn cầu mà trẻ em Úc phải đối mặt trong cuộc đời.
Ở quốc gia này, nhiều trường học và giáo viên đang thúc đẩy các hoạt động mới để học sinh có thể tham gia với cộng đồng.
Tại Phần Lan, các nhà hoạch định chính sách lo ngại động lực và phúc lợi trong trường học có mức độ thấp. Cơ quan Giáo dục quốc gia được giao nhiệm vụ thiết kế và hỗ trợ cải cách. Họ bảo đảm một loạt các bên liên quan tham gia bằng cách công bố tất cả các phản hồi nhận được trong quá trình tham vấn trên một trang web có thể truy cập rộng rãi. Khi mọi người hiểu rõ mục đích và tham gia vào quá trình hình thành của nó, cuộc cải cách sẽ dễ được chấp nhận và ủng hộ nhiều hơn.
Trên tất cả 6 quốc gia được đưa vào báo cáo, một điều rõ ràng là trẻ em phát triển mạnh mẽ khi chúng được cung cấp các công cụ để phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc quan trọng. Đã đến lúc phải hành động, hệ thống giáo dục và các bên liên quan chính trên toàn cầu phải có trách nhiệm cung cấp cho trẻ em những năng lực này. Trẻ em là tương lai của thế giới và chúng ta phải bảo đảm chúng có đủ các kỹ năng cần thiết để đối phó với những thách thức phức tạp và bất ổn trong một thế giới luôn thay đổi.