Loại virus này có thể gây ảnh hưởng lên sức khỏe mẹ bầu, cũng như xâm nhập vào khoang ối. Từ đó, gây một số nguy cơ cho thai nhi.
Virus xâm nhập vào khoang ối
Gần đây, số ca nhiễm Adenovirus tăng cao trên địa bàn Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, mỗi nơi ghi nhận hơn 100 trẻ mắc bệnh.
Số lượng bệnh nhi tăng cao trong thời gian ngắn khiến nhiều bệnh viện hết giường. Các chuyên gia y tế lo ngại, bệnh nhi thuộc nhóm nguy cơ cao như mắc bệnh nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật... sẽ có thể tử vong khi mắc Adenovirus.
Adenovirus là một nhóm virus phổ biến, thường lây nhiễm vào niêm mạc mắt, đường thở, phổi, ruột, đường tiết niệu và hệ thần kinh. Chúng có thể gây triệu chứng sốt, ho, viêm họng, tiêu chảy và đau mắt đỏ. Bệnh xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về nguy cơ mẹ bầu mắc Adenovirus.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Bà bầu có thể bị nhiễm virus Adeno.
Adenovirus là tác nhân virus phổ biến nhất được xác định khi phụ nữ mang thai. Loại virus này có thể gây ảnh hưởng lên sức khỏe mẹ bầu, cũng như xâm nhập vào khoang ối. Từ đó, gây một số nguy cơ cho thai nhi”.
Theo bác sĩ Thành, virus Adeno có thể gây các biến chứng như viêm kết mạc, viêm phổi ở mẹ bầu. Lý do là vì khi mang thai, hệ miễn dịch của bà bầu bị suy yếu, nội tiết tố nữ thay đổi. Vì vậy, cơ thể dễ bị nhiễm các loại virus. Thai phụ cũng có nguy cơ gặp các biến chứng nặng, do dễ tổn thương hơn. “Các bằng chứng y khoa không cho thấy việc nhiễm
Adenovirus trong quá trình mang thai là tác nhân trực tiếp gây bất bất thường thai nhi. Tuy nhiên, việc mẹ bầu bị sốt hay viêm phổi nặng có thể ảnh hưởng tới thai kỳ”, chuyên gia cảnh báo.
Cũng theo bác sĩ Thành, một số bằng chứng cho thấy, mẹ bầu nhiễm cúm, hoặc Adenovirus có nguy cơ gia tăng một số dị tật như: Dị tật ống thần kinh, sứt môi hở hàm và một số tổn thương ở gan. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, khi có các biểu hiện nhiễm virus như cúm hay Adenovirus, mẹ bầu cần được khám và theo dõi sát bởi các bác sĩ sản khoa.
Ứng phó với số ca mắc tăng
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não…
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội, hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm. Hoặc, lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8 - 12 ngày.
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch do virus Adeno. Triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan diện rộng. Đồng thời, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo.
Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh. Không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do virus Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ. Trong đó, tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm, như: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...
Trước tình hình số lượng ca mắc virus Adeno phải nhập viện tăng cao, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.
Thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh, phải tiến hành xử lý quyết liệt. Đồng thời, tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành Y tế Hà Nội trong công tác điều trị người bệnh nhiễm Adenovirus.