Viêm phổi do virus Adeno dễ gây nhầm lẫn

GD&TĐ -Triệu chứng viêm phổi do virus Adeno rất dễ nhầm với viêm phổi do virus đường hô hấp khác.

Kỹ thuật Realtime PCR xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch hô hấp để chẩn đoán xác định Adenovirus.
Kỹ thuật Realtime PCR xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch hô hấp để chẩn đoán xác định Adenovirus.

Viêm phổi do Adenovirus thường gặp ở trẻ em 6 tháng đến 5 tuổi. Trường hợp dễ biến chuyển nặng là trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ có thể trạng yếu hoặc mắc các bệnh nền khác.

Gây sốt cao, rét run

Adenovirus có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng khi mắc Adenovirus thường rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp khác. Điều đó khiến việc phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn và nguy cơ lây nhiễm bệnh tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên khoa Nhi, chuyên gia Bảo vệ trẻ em, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Viêm phổi hay viêm đường hô hấp do virus Adeno là bệnh cấp tính. Triệu chứng viêm phổi do virus Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác, thường gặp ở trẻ em 6 tháng đến 5 tuổi. Trường hợp dễ biến chuyển nặng là trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ có thể trạng yếu hoặc mắc các bệnh nền khác. Trẻ lớn ít gặp hơn và gần 100% số người lớn đã có kháng thể đặc hiệu với nhiều type Adenovirus”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, với trẻ khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên, với những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém, Adenovirus có thể gây suy hô hấp. Các triệu chứng thường bao gồm hắt hơi, sổ mũi, sốt. Đặc biệt, viêm phổi do Adenovirus khiến bệnh nhân sốt cao, rét run, có ho, khò khè.

Đối với những trẻ thể trạng kém, suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh nền khác, virus có thể gây khó thở, nguy hiểm. Do vậy, bác sĩ An khuyến cáo, khi cha mẹ thấy con sốt cao, khó thở, theo dõi thấy nhịp thở nhanh, nông, lồng ngực co rút hoặc có biểu hiện mệt mỏi, mặt lờ đờ tím tái, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Kháng sinh không có tác dụng

PGS.TS Phùng Thị Bích Thủy - Trưởng khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, hiện nay, đơn vị này áp dụng kỹ thuật Realtime PCR xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch hô hấp của người bệnh để chẩn đoán xác định Adenovirus và tuýp virus Adeno gây bệnh.

Thời gian xét nghiệm dao động từ 70 phút đến 5 tiếng. Độ chính xác lên tới 95 - 99%, tùy từng loại xét nghiệm tìm Adenovirus riêng lẻ hay phát hiện cùng lúc các virus gây bệnh khác.

Khi xác định một bệnh nhân nhiễm Adenovirus, bệnh nhi sẽ được nhập viện điều trị, cách ly tại các phòng bệnh riêng biệt. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp (thở oxy hoặc thở máy) khi cần; Dùng kháng sinh trong trường hợp bị bội nhiễm viêm phổi.

Điều trị các triệu chứng bằng cách: Hạ sốt khi trẻ sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu với những trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch (thuốc kháng virus không được chỉ định thường quy cho tất cả bệnh nhân).

“Để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do Adenovirus nói riêng, chúng ta cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm virus đường hô hấp cũng như các virus khác. Hãy nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ 6 tháng.

Từ tháng thứ 7 vào tuổi ăn dặm, trẻ cần ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm thực phẩm cơ bản, tăng cường sử dụng sữa, trứng và thức ăn từ thủy - hải sản”, bác sĩ Nguyễn Trọng An khuyến cáo.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, phụ huynh cần lưu ý vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên bằng cách nhỏ mũi với nước muối sinh lý hằng ngày. Đồng thời, nên tránh để trẻ nhiễm lạnh và không để bé chơi, vã nhiều mồ hôi gây nhiễm lạnh.

“Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cũng như trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh lý hô hấp khác”, bác sĩ An chia sẻ.

Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Khi trẻ sốt, ho, cha mẹ không nên cho con uống kháng sinh vì không có tác dụng diệt virus. Chỉ dùng kháng sinh khi có sự bội nhiễm và theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không giảm hoặc mệt, ho nhiều, gia đình cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám kịp thời.

“Chúng ta cần phải tuyên truyền sự hiểu biết và phòng ngừa dịch bệnh do Adenovirus để tăng cường nhận biết cho người dân, đề phòng bệnh và bảo vệ an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá thổi phồng về Adenovirus. Điều đó có thể gây làn sóng lo lắng trong người dân”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.