Nhóm trẻ có nguy cơ trở nặng khi mắc Adenovirus

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Đối với các trẻ có cơ địa miễn dịch suy giảm, bệnh có thể trầm trọng và tử vong khi mắc Adenovirus.

Bệnh nhi nhiễm Adenovirus điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi nhiễm Adenovirus điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Các hình thái cơ địa đặc biệt đó là đang mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh phổi mãn tính.

Trường hợp tử vong do có bệnh lý nền

Tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc virus Adeno, số liệu thống kê cho thấy, trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9, tỷ lệ các ca nhiễm chiếm 10% tổng trường hợp đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong số ca nhiễm, có 80% là bệnh nhi tại các quận huyện của Hà Nội.

Đã có 7 trường hợp tử vong là các bệnh nhân mắc bệnh lý nền, đồng nhiễm Adenovirus. Riêng ngày 22/9, tại Bệnh viện Nhi Trung ương qua thăm khám các trẻ đến khám đã phát hiện 150 ca. Trong đó, một nửa số bệnh nhân này cần nhập viện.

Tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện của Hà Nội cũng ghi nhận gần 100 ca mắc Adenovirus. TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định, việc nhiều trẻ mắc Adenovirus là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Tuy nhiên, nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật, khi nhiễm thêm virus Adeno sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Nguy cơ biến chứng

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, khi có các dấu hiệu nguy hiểm sau, cần cho trẻ nhiễm Adenovirus nhập viện ngay: Khó thở, thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản; Suy hô hấp hoặc giảm oxy máu làm trẻ tím tái; Có dấu hiệu toàn thân như: Không uống thuốc được, co giật, li bì, nhiễm trùng nặng; Có bệnh nền nặng: Suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng; Tổn thương trên X-quang phổi: Khi chụp X-quang phổi thấy tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, áp xe phổi.

Chia sẻ về Adenovirus, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Trong các tế bào miễn dịch bình thường, hầu hết trường hợp nhiễm Adenovirus đều không có triệu chứng.

Khi các trường hợp nhiễm có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng có thể rất đa dạng. Bởi, hầu hết các Adenovirus gây bệnh nhẹ đều có ái lực với nhiều loại mô”. Chuyên gia này cho biết, đối với các trẻ có cơ địa miễn dịch suy giảm, bệnh có thể trầm trọng và tử vong. Các hình thái cơ địa đặc biệt đó là đang mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh phổi mãn tính.

PGS Nga cảnh báo, Adenovirus có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Một trong số đó là bệnh phổi mạn tính. Mặc dù hiếm gặp, nhưng trẻ bị viêm phổi do Adenovirus có thể phát triển thành bệnh phổi mạn tính. Ngoài ra, trẻ có vấn đề hệ thống miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn khi nhiễm Adenovirus.

Bên cạnh đó, lồng ruột cũng là bệnh lý nghiêm trọng ở đường ruột gồm ruột non và ruột già. Trong đó, một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới gây tắc nghẽn sự lưu thông của đường ruột.

Khi đoạn ruột phía trên chui vào kéo theo các mạch máu, khiến các mạch máu bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Bệnh diễn biến nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử. Từ đó, dẫn đến thủng ruột, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng trẻ.

“Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh nhẹ và phục hồi hoàn toàn, trừ một số typ có thể gây biến chứng nặng trên các trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch. Bệnh viêm phổi cấp do Adenovirus typ 3, 4, 7 và 14 gây ra và thường xuyên xảy ra trong các tập thể thanh thiếu niên. Đặc biệt, typ 7 thường xảy ra ở viêm phổi nặng, chủ yếu ở trẻ em, tỷ lệ tử vong cao, khi khỏi để lại di chứng ở phổi”, PGS Nga cảnh báo.

Theo chuyên gia này, hiện, Việt Nam chưa có vắc-xin phòng Adenovirus. Do đó, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ. Qua đó, không bỏ lỡ xét nghiệm, tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy. Đồng thời, tuân thủ tiêm các vắc-xin phòng bệnh hô hấp sẵn có.

Để phòng bệnh cho trẻ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, các cha mẹ có thể bảo đảm chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho con. Cụ thể, phụ huynh cần lưu ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

Khi có sức đề kháng tốt, trẻ có thể giảm nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó bao gồm cả những bệnh về đường hô hấp. Đồng thời, cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh. Lưu ý, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 tuổi. Trẻ cũng cần có chế độ ăn dặm hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng. Đảm bảo cho trẻ tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hô hấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ