Phụ nữ học cao, biết rộng vẫn bị bạo hành

“Đừng vung tay, hãy cầm tay” là khẩu hiệu mà Chiến dịch truyền thông quốc gia phòng chống bạo lực gia đình (diễn ra từ tháng 11 đến trung tuần tháng 12/2014) muốn chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Muôn mặt nỗi đau

Không chịu nổi đòn roi của chồng, chị Lê (31 tuổi, Nam Định) bỏ nhà lang thang lên Hà Nội, ra cầu Chương Dương tự vẫn. May thay, có người “xe ôm” đã kéo chị xuống và đưa chị đến nương nhờ Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội LHPN Việt Nam). Lúc đó, mắt chị vẫn sưng húp, thân thể chằng chịt sẹo, đầu đầy vết máu, ngơ ngác, sợ hãi. 

Suốt 12 năm nay, chị luôn phải gập người dưới sự thù hận vô lối của người chồng. Mỗi khi say, anh ta đánh đập, bắt chị thú nhận có tình nhân dù chị một lòng chung thủy. Để trừng phạt, anh ta buộc chị phải chiều chuộng thể xác hàng đêm, ngay cả những ngày nhạy cảm cũng không tha. 

Khi chị bị bệnh phụ khoa không thể đáp ứng đòi hỏi của chồng thì anh ta lại chửi bới, đánh đập cho rằng chị cặp bồ “no xôi chán chè” bên ngoài nên không muốn thực hiện nghĩa vụ làm vợ, chơi bời lắm nên bị bệnh.

Bà Hiền (Đông Anh, Hà Nội) đã đến tuổi thất thập nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình. Gần 50 năm chung sống là bằng đó thời gian bà chịu đựng thói vũ phu, cục súc của chồng. Ông ta lấy điếu cày đánh, lấy dây xích quật bà… 

Bà đau đớn hỏi tại sao, ông ta chỉ thản nhiên: “Thích đánh là đánh”. Dù muốn dứt áo ra đi nhưng nhìn 6 đứa con nheo nhóc, bà lại cắn răng chịu đựng. 

Những tưởng đến lúc lên chức ông bà, bà sẽ đỡ khổ hơn. Nào ngờ người chồng quen thói trăng hoa, công khai cặp kè, ve vãn gái bán dâm trên thị trấn, khiến cả làng xôn xao, bàn tán. 

Tủi hổ, bà khuyên chồng nên ở nhà đỡ đần vợ trông cháu, làm ruộng, tức thì người chồng lao vào đánh bà thậm tệ. Đau đớn thể xác, tê dại tinh thần, bà bỏ nhà vào phố lang thang, được người dân xót thương giới thiệu tới Ngôi nhà bình yên.

Đây là hai trong hàng trăm trường hợp đã đến tá túc tại Ngôi nhà bình yên. Mỗi cảnh đời đều thấm đẫm nước mắt và cả máu mà người gây ra lại chính là chồng, con, người thân của họ.

Thay đổi hành vi từ nam giới

Từ năm 2007 đến nay, Ngôi nhà bình yên đã đón tiếp gần 385 phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, tư vấn trực tiếp và qua điện thoại cho gần 5.000 lượt người, trong đó, hơn 80% là nạn bạo hành gia đình. 

Có 71% chị em bị cả ba hình thức bạo hành (thể chất, tinh thần, kinh tế); 38% người bị bạo hành trên 5 năm, 8% phụ nữ sau ly hôn vẫn tiếp tục bị bạo hành. Ngay cả những phụ nữ đảm đang, thu nhập cao, quan hệ rộng vẫn bị bạo hành.

“Hôn nhân hợp pháp bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ nhưng cũng chính là “gông cùm” ràng buộc, khiến phụ nữ cố gắng nín nhịn, chịu đựng cùng lúc nhiều loại bạo hành trong nhiều năm” - bà Phạm Thị Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhận định.

Trong số gần 400 nạn nhân, có 39% là trẻ em, bạo lực gia đình có tác động rất xấu tới các em, tạo hiệu ứng “Boomerang” - bạo lực sinh bạo lực. “Nhiều em vào Ngôi nhà bình yên tuy còn rất nhỏ nhưng tính tình đã hung bạo, dữ dằn. 

Một mặt các em rất lì đòn, mặt khác lại thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, thường xuyên đánh đập các bạn khác” - Bà Giang phân tích.

Còn về phía người bạo hành, có tới 83 % chồng của người tạm lánh bị mắc tệ nạn xã hội (nghiện rượu, cờ bạc, ma túy hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần (phần lớn do sử dụng ma túy quá liều) và 32% ghen tuông... 

Những người chồng này thích dùng chân tay thay lời nói. Cũng có người do nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp nên sinh ra thiếu tự tin khi vợ làm ăn tốt hơn, quan hệ rộng hơn. Họ đánh vợ để thỏa mãn tính sở hữu, tính gia trưởng.

Bà Giang cho biết, những người đến Ngôi nhà bình yên được tá túc trong vòng 3 tháng, được khám sức khỏe, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, được đào tạo nghề, cung cấp kiến thức để tự bảo vệ. Nhưng muốn bảo vệ được chị em khi họ hòa nhập cộng đồng, rất cần sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể nơi họ sống. 

“Hành vi bạo hành không thể thay đổi sau vài lần nhắc nhở hay xử phạt. Do đó, chính quyền địa phương cần cử người theo dõi sát sao để kịp thời can thiệp, nhắc nhở, giúp đỡ họ cách xử lý mâu thuẫn gia đình mà không gây bạo lực.

 “Giám sát, ngăn chặn hiệu quả hơn dùng chế tài xử phạt. Nếu để bạo lực gia đình leo thang, có thể cả tính mạng của người phụ nữ và trẻ em cũng bị đe dọa” - Bà Giang cho biết.

Theo các nghiên cứu, cứ 2 phụ nữ kết hôn thì có 1 phụ nữ bị bạo hành. 71,4% nạn nhân của bạo hành gia đình là phụ nữ và trẻ em gái. 

Những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo hành gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Đó là chưa kể đến những chi phí xã hội khi gia đình tan vỡ, tâm lý của các thành viên gia đình bị sup sụp…

Theo An Ninh Thủ Đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ