Phụ nữ An Giang 'khởi nghiệp' tạo việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

GD&TĐ -Từ mô hình trồng nấm sạch, chị Châu Thị Nương (An Giang) có thu nhập ổn định và tạo cơ hội việc làm cho hơn 40 phụ nữ nông thôn.

Chị Châu Thị Nương giới thiệu về các loại nấm sạch được trồng tại cơ sở.
Chị Châu Thị Nương giới thiệu về các loại nấm sạch được trồng tại cơ sở.

Khởi nghiệp từ trồng nấm sạch

Với mô hình trồng nấm theo hướng tuần hoàn khép kín, chị Châu Thị Nương (46 tuổi, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) kiếm được thu nhập gần 900 triệu đồng/năm.

Chị Nương cho biết trước đây gia đình có nhiều năm trồng lúa, buôn bán vật tư nông nghiệp, nhưng lại gặp cảnh “trúng mùa, mất giá”. Từ đó chị luôn ấp ủ dự định chuyển đổi mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, với mong muốn hướng đến việc phát triển bền vững, hình thành chuỗi liên kết với nông dân.

an giang 4.jpg
Chị Nương bên những cây nấm tại trang trại theo quy trình tuần hoàn khép kín.

Từ năm 2020 thông qua báo, đài, chị nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất “nóng”, thực phẩm trên thị trường bị tác động bởi phân bón và thuốc trừ sâu làm người tiêu dùng e dè. Từ thực tế đó, chị lên ý tưởng sản xuất nông sản sạch, có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe để cho gia đình sử dụng và cung ứng ra thị trường.

Sau thời gian tìm hiểu nhu cầu, chị quyết định chọn nấm mối đen để khởi nghiệp và thành lập HTX Nông nghiệp Tà Đảnh để phát triển và đưa đến thị trường thực phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

0342336d838921d77898.jpg
Sản phẩm nấm sạch của chị Nương.

Để bắt tay vào sản xuất nấm mối đen, chị kiên trì mày mò nghiên cứu, học tập từ các giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH An Giang để nắm rõ đặc tính sinh trưởng, dây chuyền sản xuất phôi nấm…

Thời điểm mới bắt tay vào sản xuất, do thiếu kinh nghiệm, cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo, máy móc thiết bị thiếu nên nấm nhiễm bệnh phải đem bỏ đi.... Kiên trì học hỏi và khắc phục dần dần, năng suất nấm tăng qua mỗi vụ, chị Nương mạnh dạn mở rộng trại nấm lên diện tích 3 ha.

Chị Nương cho hay, tất cả nguyên liệu sử dụng làm phôi nấm hoàn toàn hữu cơ. Ngoài rơm rạ được băm nhuyễn, chỉ sử dụng cám gạo, cám bắp. Tất cả đều được kiểm tra đầu vào nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

an giang 3.jpg
Hiện trang trại của chị Nương tạo cơ hội việc làm cho hàng chục lao động nông thôn.

Nấm mối đen có thể trồng quanh năm theo mô hình khép kín. Từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng gần 4 tháng, đòi hỏi kỹ thuật từ khâu xử lý phôi nấm đến khâu nuôi trồng phải đảm bảo sạch hoàn toàn.

Nấm có thể cho thu hoạch mỗi ngày. Tuy nhiên, phải canh hái đúng thời điểm thu hoạch, chọn thời điểm nấm mang dược tính cao nhất và dinh dưỡng nhiều nhất. Nếu nấm còn quá non sẽ mất năng suất, còn quá già lại ăn không ngon và năng suất không cao.

Chu kỳ sinh trưởng của các loại nấm ăn và dược liệu tương đối ngắn, khoảng 4 tháng/vụ. Nhờ đó giúp quay vòng nguồn vốn nhanh, có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào khi thời tiết không thuận lợi, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.

Tạo việc làm cho lao động nữ Khmer nông thôn

Nấm mối được trồng theo quy trình khép kín, sản xuất sạch và hoàn toàn không sử dụng phân thuốc hóa học nên có vị thơm ngon, ngọt, giòn hấp dẫn. Loại nấm này còn được dùng thay thế bột ngọt trong chế biến thức ăn hằng ngày.

Bên cạnh trồng nấm mối đen thì cơ sở chị Nương cũng trồng thêm nấm linh chi nhằm đa dạng sản phẩm bán ra thị trường.

an giang 2.jpg
Hiện HTX của chị Nương đã có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các loại nấm.

Hiện cơ sở sản xuất nấm của chị Nương đã góp phần tạo việc làm cho hơn 40 lao động nữ, hầu hết là dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên (An Giang). "Trước đây, hầu hết các chị em đều có cuộc sống khó khăn, nhưng hiện có việc làm cùng với thu nhập ổn định tại trại nấm, có điều kiện để trang trải cho gia đình, lo việc học cho con”, chị Nương phấn khởi nói.

Hiện trung bình mỗi tháng, nông trại nấm rộng 3 ha của chị thu hoạch khoảng từ 5 - 6 tấn với đủ các loại như: Nấm mối, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to… trong đó nhiều nhất là nấm mối đen.

Nấm mối đen được bán với giá 250.000 đồng/kg. Đem lại thu nhập mỗi năm lên đến gần 900 triệu đồng. Ngoài cung cấp nấm mối tươi ra thị trường chị Nương còn cung cấp phôi nấm kết hợp chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Nhờ sản xuất theo quy trình sạch nên nấm được thị trường ưa chuộng, xuất bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước.Trong thời gian tới, chị Nương dự định tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm quảng bá, đưa sản phẩm ra cả thị trường ngoài nước.

Trong năm 2023, chị Nương vinh dự đoạt giải “Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất” cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam. Cuộc thi góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Cách tìm việc làm chất lượng