Cô trò Hậu Giang khởi nghiệp với khát vọng cải thiện đời sống phụ nữ nông thôn

GD&TĐ - Cô giáo tại Hậu Giang đồng hành cùng học sinh khởi nghiệp với mong muốn cải thiện đời sống phụ nữ vùng nông thôn.

Cô Bích Liên và học trò bên dự án khởi nghiệp.
Cô Bích Liên và học trò bên dự án khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ tiềm năng nông thôn

Những ngày này, cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Vị Thanh (Hậu Giang) cùng 3 học sinh, là em Lê Ngọc Ngân, em Lê Nguyễn Gia Linh và Phạm Nguyễn Khánh Băng (cùng học lớp 11A10) đang tất bật chuẩn bị tham dự chung kết cuộc thi khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Sản phẩm của nhóm tham gia cuộc thi khởi nghiệp mang tên “Dự án Mặt nạ thải độc dưỡng da chiết xuất từ rau má và rau diếp cá”. Được biết, nguyên liệu chính có nguồn gốc từ các loại rau được trồng rộng rãi tại vùng nông thôn của tỉnh Hậu Giang.

Cô Trương Thị Bích Liên cùng các em học sinh thực hiện quy trình chiết tách sản phẩm.

Cô Trương Thị Bích Liên cùng các em học sinh thực hiện quy trình chiết tách sản phẩm.

Chia sẻ về hành trình đi tới thực hiện dự án khởi nghiệp của nhóm, cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Vị Thanh cho hay: Thời gian đầu học sinh lớp 11A10 do cô chủ nhiệm đăng ký tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh nhưng không biết chọn đề tài nào để thực hiện.

Nhận thấy những nguyên liệu phong phú tại địa phương có tiềm năng khai thác ứng dụng cho việc chăm sóc sức khỏe làm đẹp, nên cô đã gợi ý cho học sinh làm mặt nạ dưỡng da từ cây rau má và rau diếp cá. Với sự cố gắng nỗ lực của nhóm, cô trò được đền đáp khi đạt giải khuyến khích trong cuộc thi này.

Với quyết tâm cùng học sinh lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cô Liên đã lên mạng tìm các tài liệu bằng tiếng Anh để đọc và nghiên cứu thêm về đề tài. Không những thế, cô còn lặn lội từ Hậu Giang lên TP Cần Thơ gặp các giảng viên, nghiên cứu sinh ngành Sinh - Hóa nhờ giúp đỡ. Từ đó dự án sớm hoàn thành các bước nghiên cứu để cho ra sản phẩm mặt nạ thải độc và dưỡng da từ cây rau má và rau diếp cá.

Sản phẩm mặt nạ thải độc và dưỡng da từ cây rau má và rau diếp cá.

Sản phẩm mặt nạ thải độc và dưỡng da từ cây rau má và rau diếp cá.

Bằng nỗ lực vượt khó, cô Liên cùng nhóm học sinh của mình đã thành công đưa sản phẩm cho hơn 300 tình nguyện viên (là giáo viên, học sinh) của trường dùng thử. Kết quả sản phẩm có hiệu quả, làn da mịn màng, giảm mụn; không bị dị ứng khi sử dụng trên da.

Tiếp tục lan tỏa vì cộng đồng

Hiện sản phẩm từ dự án “Mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và rau diếp cá" của cô trò đạt tiêu chuẩn TCVN:7391-10:2007 do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tại TP Cần Thơ kết luận. Các cơ quan địa phương đang hỗ trợ việc đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm dự án.

Từ những nỗ lực, bước đầu nhóm đã nhận được những đơn đặt hàng từ những người đã dùng thử sản phẩm và một số spa chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn TP Vị Thanh.

Cô Liên đang thực hiện công đoạn để tạo thành sản phẩm.

Cô Liên đang thực hiện công đoạn để tạo thành sản phẩm.

Cô Liên cũng bật mí, hiện tại sản phẩm mặt nạ thải độc và dưỡng da từ rau má và rau diếp cá có giá thành “mềm” hơn các dòng mỹ phẩm khác, phù hợp với nhu cầu cũng như thu nhập của nhiều người; an toàn khi sử dụng trên da và thân thiện với môi trường.

Em Lê Ngọc Ngân, học sinh Trường THPT Vị Thanh cho hay: Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô Liên, nhóm chúng em phải thực hiện rất nhiều công việc; từ lựa chọn nguyên liệu rất kỹ, không dùng phân bón hóa học, chỉ trồng hữu cơ mới cho ra sản phẩm có chất lượng và đạt tiêu chuẩn, đến các khâu chiết xuất bằng những thiết bị máy móc.

Theo Ngân, sản phẩm của nhóm có nhiều cải tiến hơn so với các sản phẩm trên thị trường, bởi các thành phần đều đến từ thiên nhiên, không chứa hoạt chất độc hại và rất thân thiện với môi trường. Sản phẩm từ công đoạn chuẩn bị cho đến hoàn thiện thành quả đều áp dụng máy móc, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

"Bản thân em và các bạn trong lớp bất ngờ về kết quả khởi nghiệp. Mặc dù là giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng cô Liên đã đồng hành, hướng dẫn cùng thực hiện để tạo ra sản phẩm mặt nạ thải độc và dưỡng da từ rau má và rau diếp cá. Đó là niềm tự hào của nhóm chúng em về cô và sản phẩm mà nhóm mình làm ra", Ngọc Ngân chia sẻ.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, cô Liên mong sản phẩm lan tỏa ra thị trường và tiếp tục được sự ủng hộ và đón nhận từ người dùng. Từ đó, người nông dân có thể sản xuất bền vững, đặc biệt là các chị em phụ nữ vùng nông thôn có thu nhập ổn định hơn từ việc trồng nguồn nguyên liệu an toàn cho ngành dược và mỹ phẩm. Ý thức người dân về việc sử dụng mỹ phẩm hữu cơ, bảo vệ môi trường... cũng được nâng cao. Khi có nguồn thu từ sản phẩm dự án nhóm sẽ dành chi phí thực hiện những hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống học sinh nghèo vùng nông thôn.

Thông tin về dự án của nhóm, thầy Lê Duy Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh cho biết thầy và Ban giám hiệu nhà trường rất vui mừng khi sản phẩm khởi nghiệp mặt nạ thải độc và dưỡng da từ rau má và rau diếp cá của cô Liên và nhóm học sinh lọt vào top 15 sản phẩm khởi nghiệp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang năm 2024. Đây là niềm động viên khích lệ tinh thần khởi nghiệp của học sinh trong trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.