Đồng Tháp đẩy mạnh ngành hàng kinh tế từ sen, cải thiện thu nhập người dân

GD&TĐ - Đồng Tháp định hướng sen là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Đồng Tháp xuất hiện nhiều mô hình trồng sen kết hợp khai thác du lịch.
Đồng Tháp xuất hiện nhiều mô hình trồng sen kết hợp khai thác du lịch.

Nhiều tiềm năng từ sen

Đến cuối năm 2023, diện tích trồng sen toàn tỉnh Đồng Tháp đạt 1.838 ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025, 1.400 ha).

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, trước đây sen được trồng nhiều nhất ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành. Hiện trên địa bàn tỉnh đang hình thành thêm những vùng trồng mới tại các huyện như: Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông.

Ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã sưu tập, nhân giống được 52 chủng loại giống sen. Đồng thời, tỉnh đã phát triển được 59 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên từ sen.

Sen được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn thêm phần hương vị.

Sen được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn thêm phần hương vị.

Ngoài ra, sen còn được dùng trong các sản phẩm tiềm năng kinh tế như mỹ phẩm, nước hoa sen, son sen; dùng trong gia dụng hàng ngày như xà bông sen, nhang sen; dùng trong dệt may, thời trang như tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi…

Trong đầu tháng 5 vừa qua, Đồng Tháp đã công bố xuất khẩu lô củ sen 15 tấn sang thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (đơn vị xuất khẩu lô củ sen) cho biết: Hiện nhu cầu từ thị trường đối với sản phẩm củ sen là rất lớn. Đối với thị trường Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ khoảng 90 - 100 ngàn tấn/năm; đối với thị trường Trung Quốc khoảng 2 triệu tấn/năm...

Những tín hiệu tích cực đó cho thấy, củ sen Việt có nhiều cơ hội để vươn mình xuất khẩu ở các thị trường khó tính. Dự kiến, từ đây đến cuối năm, công ty sẽ xuất khẩu thêm 8 container củ sen cấp đông sang thị trường Nhật Bản, giá trị khoảng 7 tỷ đồng.

Củ sen được xuất khẩu, mở ra cơ hội tăng lợi nhuận cho người dân trồng ở miền Tây.

Củ sen được xuất khẩu, mở ra cơ hội tăng lợi nhuận cho người dân trồng ở miền Tây.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp, củ sen được xuất khẩu là loại sen ở miền Tây có thể trồng quanh năm. Một vụ trồng sen (4 tháng) có thể đạt năng suất từ 5 - 7 tấn/vụ. Qua khảo sát, các tỉnh miền Tây có khoảng 3.000 ha trồng sen song đa phần lấy hạt, chỉ 200 ha trồng lấy củ nên so với nhu cầu không đáp ứng.

Riêng tỉnh Đồng Tháp đang trồng hơn 1.800 ha sen, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Sen lấy củ trồng theo quy trình được bao tiêu với giá 20.000 đồng/1kg, ước tính mỗi vụ nông dân lãi 40-45 triệu đồng/1ha.

Đặc biệt, trồng sen thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa, từ đó giúp nông dân miền Tây nói chung và tỉnh Đồng Tháp cải thiện cuộc sống. Ngày càng nhiều mô hình, khu vực trồng sen, người dân kết hợp với nuôi thêm cá, làm du lịch trải nghiệm để có thêm thu nhập...

Định hướng vươn tầm quốc tế

Theo các chuyên gia, ngành hàng sen của Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và triển vọng để mở rộng tại các thị trường châu Á. Tuy nhiên để hội nhập với sân chơi lớn của quốc tế, Đồng Tháp cần có góc nhìn sâu sắc hơn về thị trường, hiểu rõ tiềm năng lợi thế của ngành sen tỉnh nhà để điều tiết phù hợp trong sản xuất và chế biến.

Hiến kế cho Đồng Tháp giải pháp nâng tầm giá trị văn hóa sen trong bối cảnh hội nhập, GS.TS Trần Ngọc Thêm, Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM chia sẻ: Thời gian gần đây, Đồng Tháp có nhiều cố gắng để nâng tầm giá trị kinh tế - văn hóa của cây sen. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển chuỗi giá trị từ sen vẫn còn rời rạc, thiếu hoạch định tổng thể…

Công nhân thu hoạch hoa sen để làm trà.

Công nhân thu hoạch hoa sen để làm trà.

Để sen Đồng Tháp vươn tầm, GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng: Tỉnh có thể xem xét ý tưởng về việc xây dựng Khu phức hợp sen Đồng Tháp, với quần thể công trình như: Viện nghiên cứu tổng hợp về sen; công ty nuôi trồng và chế biến sen; bảo tàng khoa học tự nhiên về sen, bảo tàng văn hóa sen, bảo tàng 3D về sen, khu trải nghiệm và vui chơi gắn với sen; công ty du lịch chuyên đề về sen. Từ đó Đồng Tháp khai thác thế mạnh đặc thù về sen, tạo sự bứt phá toàn diện để trở thành thủ phủ sen của Việt Nam và thế giới.

GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng: Du lịch hoa trở thành xu hướng trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Khai thác du lịch dựa vào những loại hoa đặc trưng giúp nhiều quốc gia đẩy mạnh được ngành “công nghiệp không khói” và nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đồng Tháp hoàn toàn có cơ sở để đẩy mạnh khai thác du lịch dựa trên tài nguyên bản địa hoa sen của địa phương. Để khai thác tốt định hướng này, ngành du lịch Đồng Tháp cần phải "làm mới" để thu hút khách du lịch nhiều hơn. Trong đó, nghiên cứu xây dựng công viên chủ đề hoa sen - nơi hội tụ nhiều giống sen quý hiếm của các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Song song đó, từng khu, điểm du lịch của tỉnh phải dựa trên đặc điểm đặc thù của địa phương, kết hợp văn hóa về sen để xây dựng tour du lịch đặc trưng như: tour du lịch sen tâm linh; tour du lịch sen di sản... nhằm thu hút du khách, GS.TS Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết chỉ tính riêng sản phẩm OCOP hiện toàn tỉnh đã có 59 sản phẩm sen đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao. Có nhiều sản phẩm quà tặng đặc sắc, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế, nâng tầm giá trị sen Đồng Tháp như: Tranh lá sen, lụa tơ sen, trà ướp hoa sen thượng hạng... Đồng Tháp đã xuất lô củ sen đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, đang tiếp tục xúc tiến thương mại sản phẩm sen đến các thị trường Hàn Quốc, Myanmar, Trung Quốc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.