Phụ huynh thay đổi - " đánh thức" giáo dục gia đình

GD&TĐ - “Cha mẹ thay đổi” vừa phát sóng tập đầu tiên là một trong không nhiều chương trình truyền hình thực sự để lại ấn tượng cho tôi khi xem. Nó “đánh thức” một thành phần vốn dĩ vô cùng quan trọng, nhưng dường như đang bị lãng quên, đó là “giáo dục gia đình”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở tập đầu tiên mang tên “Những bản nhạc buồn”, câu chuyện xoay quanh gia đình chị Trang (40 tuổi) là giảng viên âm nhạc, mẹ của ba người con, trong đó có Nhím 21 tuổi và Cún 11 tuổi. Nhiều tình huống chân thật diễn ra hằng ngày thể hiện những khúc mắc trong giáo dục con, sự xa cách của cả hai người con với mẹ mình và cố gắng, nỗ lực của người mẹ để kéo gần khoảng cách với con gái… có lẽ không phải là chuyện hiếm gặp trong các gia đình.

Những bậc phụ huynh một lần nữa giật mình nhận ra rằng: Việc làm cha, làm mẹ thực sự ngày càng khó khăn vô cùng; cần rất nhiều nỗ lực, sự kiên nhẫn, tình yêu thương, với hành trình đủ dài để có thể hiểu con và thực sự được đồng hành cùng con trong cuộc sống. Cách giáo dục của cha mẹ, rõ ràng có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ.

Một gia đình vốn ít con đã khó khăn như vậy, chắc chắn ở một lớp vài chục học sinh, người giáo viên phải đối mặt với những thử thách còn lớn hơn rất nhiều.

Thế nhưng, một thực tế là, có không ít bậc làm cha mẹ vẫn có tâm lý “khoán trắng” việc giáo dục cho nhà trường. Chính quan niệm nhà trường, giáo viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với sự trưởng thành của học trò nên mới có việc đổ lỗi cho nền giáo dục, cho nhà trường bất cứ khi nào có bất cập trong chất lượng giáo dục. Trong khi đó, một trong những nghĩa vụ và quyền của cha mẹ được ghi rõ trong Luật Hôn nhân và Gia đình là: “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”.

Đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của gia đình trong giáo dục. Trong đó khẳng định gia đình là môi trường giáo dục suốt đời đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Ngay cả khi trưởng thành, gia đình vẫn là động lực thôi thúc con người tự hoàn thiện nhân cách của mình.

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến cảnh người mẹ giận dữ to tiếng với cô giáo trước mặt đứa con còn nhỏ tuổi, chỉ vì một vết bầm trên má con. Có những phụ huynh chẳng kiêng dè nói chuyện phong bao, phong bì cho thầy cô trước mặt con cái. Câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ, dù đã qua khá lâu, nhưng mỗi khi nhắc lại vẫn khiến nhói lòng những người làm giáo dục… Những “tấm gương” như vậy sẽ ảnh hưởng đến trẻ thế nào có lẽ không cần phải nói cụ thể thêm.

Quay lại chương trình “Cha mẹ thay đổi”. Với tập đầu tiên phát sóng, có thể thấy, nhân vật tham gia chương trình, đúng như nhà sản xuất nói, thực sự là những người làm cha, làm mẹ dũng cảm. Dũng cảm bởi không dễ dàng công khai trước công luận những câu chuyện riêng tư đến như vậy của gia đình mình; dũng cảm vì dám đối diện với chính mình, dám thừa nhận rằng mình đã sai... Dù đôi lúc có sự nghi ngờ, hoang mang, dù rất nhiều nước mắt đã rơi, nhưng họ không từ bỏ, để có thể tìm được tiếng nói chung với con của mình.

Tin rằng, nếu nhiều gia đình cùng ý thức, cùng cố gắng như vậy, chúng ta sẽ có nhiều hơn những đứa trẻ hạnh phúc. Khi đứa trẻ hạnh phúc ở gia đình, chắc chắn chúng sẽ dễ dàng hơn khi có được hạnh phúc ở trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.