Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán, đây là thời điểm mà thị trường trở nên sôi động do thói quen mua sắm của người Việt trước thềm năm mới.
Rất nhiều những mặt hàng đa dạng, phong phú về giá cả, chất lượng, mẫu mã được bày bán, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt chi tiêu, rất có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng “nhẵn túi”.
Dưới đây là những chiêu bạn nên áp dụng để “sống sót” qua tháng cuối năm này:
1. Cân nhắc thật kĩ khi quyết định mua đồ diện Tết
Cuối năm là thời điểm tiệc tùng nên nhu cầu mua sắm đồ mặc Tết rất lớn. Thấu hiểu tâm lí này, các shop quần áo cũng có những “chiêu” độc để dụ khách mua hàng.
Khi bước chân vào một cửa hàng thời trang, nếu tinh ý bạn sẽ thấy phòng thử đồ thường ở góc trong cùng. Những món đồ đắt đỏ sẽ được được ở vị trí hút mắt, nơi có ánh sáng đèn chiếu vàng. Điều này khiến bạn bị thu hút, muốn thử và mua hết về.
Hãy cân nhắc tính ứng dụng và sự thiết thực trước khi mua những bộ cánh long lanh để diện Tết. (Ảnh minh họa).
Trước “cám dỗ” quá lớn này, mỗi khi cầm một món đồ lên, bạn hãy ngay lập tức hình dung ra một chiếc cân, 1 bên là món đồ đó và một bên là khoản tiền tương đương để xem bạn nghiêng về bên nào.
Hãy thử hình dung bạn sẽ mặc bộ đồ đó vào những lúc nào, cơ hội dùng nhiều hay ít. Nếu tính ứng dụng không cao hoặc chỉ mặc một vài lần, trong khi khoản tiền kia bạn hoàn toàn có thể dùng cho nhiều việc thì hãy để lại bộ đồ đó và đi về.
2. Không tốn thời gian thử, trải nghiệm những thứ “hay ho”
Nhân viên tại các cửa hàng rất khéo léo mời bạn thử vài món đồ, ví dụ như nước hoa, trang sức, phụ kiện… Bạn có thể tặc lưỡi chẳng mất gì, thử xem sao.
Nhưng tâm lí của con người là khi bạn trải nghiệm cảm thấy thật thú vị, bạn thường có suy nghĩ “Hay là mua nó nhỉ” vì thấy nó hợp với mình. Khi có cảm xúc đó, bạn dễ dàng tặc lưỡi mua.
Nên nhớ, hãy chỉ mua khi bạn cần chứ không phải mua chỉ vì trông nó hợp với bạn. Những món đồ như vậy mua về sẽ rất lãng phí vì dễ bị bỏ xó vào một góc.
Hãy cẩn thận “mắc bẫy” người bán hàng với những lời chào mời dùng thử, trải nghiệm vì bạn có thể sẽ bị hấp dẫn và bỏ tiền mua những thứ không thực sự cần thiết (Ảnh minh họa).
Để tránh điều đó, bạn không nên dừng thời gian để thử mọi món đồ mà nhân viên chào mời. Hoặc khi bạn cảm thấy thích một thứ gì đó, muốn xem nó ra sao, hãy đề nghị nhân viên làm nhân vật trải nghiệm để bạn cân nhắc và đưa ra quyết định.
3. Đi vào bên trái mỗi khi vào cửa hàng hay siêu thị
Đa phần mọi người thuận tay phải, đó là lí do tại các cửa hàng và siêu hị họ thường bày bán những món hàng đắt tiền ở bên phải.
Để mua sắm thông minh, bạn nên đi vào bên trái của cửa hàng, không đi lòng vòng quá nhiều, tập trung mua những thứ mình đã lên danh sách cần mua thay vì đi ngó nghiêng xung quanh.
Khi đi siêu thị, hãy tập trung mua thứ mình lên danh sách từ trước, đừng la cà khắp nơi để rồi trở về với cái túi rỗng (Ảnh minh họa).
Thêm một mẹo nữa, ở những vị trí dưới cùng và cao hơn đầu của bạn thường có những mặt hàng giá rẻ hơn. Tầm trung tâm ở giữa vừa với tầm mắt và tầm tay là những mặt hàng đắt đỏ vì nó nằm ở nơi thu hút nhất.
4. Không vội vàng mua chỉ vì thấy nó giảm giá
Khi đi siêu thị bạn sẽ rất dễ bị cuốn hút bởi những mặt hàng giảm giá sâu. Với tâm lí “tranh thủ cơ hội” chúng ta sẽ dễ xuống tiền mua ngay lập tức.
Để không “cháy túi” vì đợt mua sắm trước Tết này, hãy học cách “phớt lờ” những lời chào mời khuyến mãi đó. Thời điểm này những mặt hàng như vậy nhiều vô sô và nếu món nào giảm giá bạn cũng mua thì bạn sẽ phải cạn kiệt hầu bao.
Đừng để những mặt hàng giảm giá khiến bạn “cạn tiền”, chỉ nên mua những thứ bạn thực sự cần (Ảnh minh họa).
5. Trì hoãn việc mua hàng, cân nhắc và tham khảo giá từ nhiều bên trước khi mua
Như đã nói ở trên, khi đi mua sắm giai đoạn cận Tết sẽ có nhiều loại hàng được giảm giá, tuy nhiên mức giảm ở mỗi nơi một khác nhau, bạn không nên quá vội vàng rút tiền mua ngay lập tức.
Mỗi nơi có mức giảm giá khác nhau, hãy cân nhắc một chút trước khi mua bạn có thể sở hữu nó với giá hời (Ảnh minh họa).
Khi bạn muốn mua một thứ gì đó và thấy nó giảm giá, hãy áp dụng nguyên tắc trì hoãn 1 ngày với mặt hàng thông thường và trì hoãn 3 ngày với loại hàng giá trị cao. Đó là khoảng thời gian để bạn về nhà, suy nghĩ thật kĩ về việc bạn có thực sự cần không.
Sau đó, bạn cũng hãy đi tham khảo ở một số nơi và trên mạng để xem mức giá đó đã tốt nhất hay chưa. Bằng cách này bạn sẽ kiểm soát được chi tiêu và mua món hàng cần thiết với giá hời.
6. Đừng đi siêu thị chơi lúc rảnh rỗi
Ở Việt Nam, các trung tâm thương mại là một điểm vui chơi thú vị thu hút nhiều gia đình ghé tới vào dịp cuối tuần. Trong khoảng thời gian cận Tết này, đi chơi cũng có thể khiến bạn phải mất tiền.
Vô số các mặt hàng bắt mắt được bày bán sẽ khiến bạn bị “hút” vào lúc nào không hay. Rất nhiều người ban đầu chỉ định đi chơi nhưng trở về với hàng tá những món đồ và cái túi rỗng.
Đi Trung tâm thương mại chơi không phải là một ý hay trong thời điểm cận Tết vì bạn có thể sẽ tốn khá nhiều tiền (Ảnh minh họa).
7. Nếu có một khoản dư, hãy để dành thay vì sắm Tết thả ga
Tết cổ truyền là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc, theo thói quen từ xa xưa, người Việt thường “làm cả năm, tiêu ngày tết”. Chính bởi tâm lí này mà sau cái Tết nguyên đán rất nhiều người đã méo mặt vì lạm phát chi tiêu.
Chi tiêu tiết kiệm sẽ giúp bạn có một cái Tết “ấm” (Ảnh minh họa).
Cuối năm là thời điểm thu hồi tiền, nhiều khoản thưởng cũng được giải ngân. Nếu bạn có một khoản thu vượt trội, bất thường, hãy tiết kiệm, để dành nó, coi như không có và chi tiêu trong khoản mà bạn đã dự trù thay vì việc rủng rỉnh có tiền trong túi là mua sắm thả ga. Nó có thể khiến bạn phải hối hận!