Có khái niệm giáo viên "tốt" và "không tốt"?
Những ngày qua, dư luận đang hết sức quan tâm tới câu chuyện một nhóm phụ huynh lớp 1 ở Trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) huy động mỗi người đóng 300.000 đồng nhằm mục đích chọn "cô giáo tốt" cho con trong năm học tới.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, cô Lại Thị Thái Hà - Hiệu trưởng nhà trường xác nhận đây là sự việc có thật. Qua nắm bắt, các phụ huynh đều thừa nhận có sự việc này. Lý do đề xuất ý kiến chọn cô là lớp 1A quá nhiều học sinh nam nên muốn tìm một giáo viên có kinh nghiệm để làm chủ nhiệm lớp.
Trong quá trình triển khai, nhóm đã đề nghị các phụ huynh nếu có vấn đề gì thì nhắn tin riêng cho Trưởng nhóm. Tuy nhiên, sau đó phụ huynh nêu ý kiến trực tiếp trong nhóm thì bị khóa bình luận nên gây bức xúc.
Cô Hà khẳng định, nhà trường không có chủ trương "chọn giáo viên chủ nhiệm". Việc chọn giáo viên phụ trách hoặc chủ nhiệm khối lớp nào trong trường sẽ thực hiện thông qua bốc thăm. Việc tổ chức thu tiền 300.000 đồng/học sinh là ý kiến của 21 phụ huynh trong lớp và đã có 3 người nộp tiền. Tuy nhiên, nhà trường đã yêu cầu trả lại tiền cho các phụ huynh.
Đại diện Trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) khẳng định, nhà trường không có chủ trương bắt phụ huynh đóng tiền để "chọn giáo viên tốt" cho con. |
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, TS Vũ Thu Hương - Nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là việc làm mang tính sai lầm của phụ huynh. Bởi, với giáo dục phổ thông thì thầy cô sẽ quan tâm đến mọi mặt của trẻ. Mỗi giáo viên sẽ cho học trò những bài học và giá trị khác nhau.
Thực tế không có giáo viên tốt và giáo viên tệ. Mỗi con người cũng luôn có điểm tốt và điểm chưa tốt. Giáo viên có thể hợp với học sinh này mà không hợp với học sinh khác là chuyện hết sức bình thường.
Giáo viên tốt thường sẽ là người có thành tích cao các năm trước. Tuy nhiên, những thầy cô này sẽ thường có trách nhiệm gặt hái thành tích về cho nhà trường. Những lớp học này sẽ có một số xáo trộn nhất định trong năm học khi thầy cô bước vào các kì thi dành cho giáo viên.
Điều này có thể sẽ gây áp lực với học sinh. Đó là chưa kể, khi cô giáo phải đối mặt với áp lực thành tích, các cháu học kém có thể sẽ gặp áp lực lớn vì con sẽ gây ảnh hưởng đến thành tích của lớp.
TS Vũ Thu Hương - Nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Các giáo viên trẻ tuy chưa có kinh nghiệm giảng dạy nhưng lại thấu hiểu tâm lý trẻ hơn vì gần gũi về tuổi. Còn giáo viên lớn tuổi hơi khó gần vì khoảng cách tuổi quá lớn với trẻ nhưng bù lại, họ lại có các kinh nghiệm dạy dỗ trẻ phong phú.
Có những giáo viên rất khéo ăn nói với cha mẹ nhưng lại hay quát mắng học sinh. Ngược lại có những giáo viên vụng về trong giao tiếp với phụ huynh nhưng lại thu hút trẻ bằng sự nhiệt tình có thật.
Vì thế, sự lựa chọn giáo viên sẽ chẳng có nhiều giá trị mà đôi khi còn gây ra bất hòa giữa các phụ huynh. Việc gom tiền để đòi một sự ưu ái về bản chất là đưa và nhận đút lót. Nếu thực hiện xử phạt theo luật thật nghiêm, kể cả áp dụng các án phạt tù thì tình trạng này mới có thể chấm dứt.
Phụ huynh nên đồng hành cùng giáo viên
Là một giáo viên trẻ đang công tác tại Trường Phổ thông liên cấp Newton (Vĩnh Phúc), cô Nguyễn Hồng Ngọc cho biết, trường hợp này thực sự là không nên, vì không có giáo viên tốt hay giáo viên không tốt. Mỗi thầy cô đều có phương pháp dạy học riêng. Có thể phương pháp của cô phù hợp với em này nhưng lại không phù hợp với em khác nên rất cần sự cân bằng. Đứng từ phía giáo viên, cô mong các bậc phụ huynh sẽ tôn trọng giáo viên, sự sắp xếp của nhà trường.
Cũng theo cô Ngọc, lợi thế của một giáo viên trẻ là nhanh tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thích nghi nhanh với Chương trình GDPT mới. Hơn nữa, do cùng thế hệ với các học trò nên sẽ phần nào hiểu được tâm lý của học sinh, việc giáo dục các con cũng dễ hơn. Điều còn thiếu với một giáo viên trẻ chính là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý lớp học, đôi khi tham kiến thức nên bị "cháy giờ". Nhiều phụ huynh vẫn chưa tin tưởng tay nghề ở một cô giáo trẻ.
Cô Khiếu Thị Phương Thảo trong giờ dạy học sinh lớp 1. |
Cô Khiếu Thị Phương Thảo - Giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, để có kết quả học tập tốt thì không chỉ phụ thuộc vào giáo viên mà còn phụ thuộc nhiều vào ý thức học tập, sự cố gắng tự rèn luyện của học sinh. Mặt khác cũng cần cả sự phối hợp, đôn đốc, kèm cặp sát sao của cha mẹ học sinh, không thể giao phó hoàn toàn cho giáo viên chủ nhiệm. Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới, giáo viên ai cũng có trình độ chuyên môn vững vàng và phong cách nhà giáo tốt, nhà trường phân công chuyên môn đều đã có những ghi nhận tuyệt đối ở thầy cô nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm.
Có nhiều năm giảng dạy và làm quản lý, cô Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Phú (Phù Ninh, Phú Thọ) nhấn mạnh, việc sắp xếp giáo viên nào dạy lớp nào là do BGH nhà trường phải họp, thống nhất trên cơ sở thực tế đội ngũ, năng lực của giáo viên sao cho phù hợp và hiệu quả. Nếu xảy ra tình trạng "chọn giáo viên" cần phải chấm dứt ngay, bởi phụ huynh sẽ thiếu tôn trọng nhà trường và giáo viên, gây mất đoàn kết nội bộ.