Thấy gì sau việc giáo viên được chọn trường để dạy?

GD&TĐ - Gần 150 người vừa trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục Quảng Nam vào cuối năm 2020 và được tự chọn nơi công tác.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam trao quyết định bổ nhiệm cho 8 GV trúng tuyển theo diện thu hút SV xuất sắc.
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam trao quyết định bổ nhiệm cho 8 GV trúng tuyển theo diện thu hút SV xuất sắc.

Theo đó, Sở GD&ĐT chỉ công khai phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng và nơi công tác, còn việc lựa chọn nhiệm sở là quyết định của người trúng tuyển, sắp xếp theo nguyện vọng ưu tiên dựa vào kết quả của kỳ thi tuyển.

Tự tin bước lên bục giảng

Trong Hội trường của Sở GD&ĐT Quảng Nam có bố trí một màn hình để các ứng viên có thể theo dõi, đối chiếu danh sách các trường có nhu cầu tuyển dụng giáo viên và danh sách đăng ký lựa chọn nơi công tác của các ứng viên. Thí sinh trúng tuyển sẽ được lựa chọn nơi mình mong muốn làm việc dựa trên danh sách các trường THPT có nhu cầu tuyển dụng mà Sở GD&ĐT cung cấp. Người có điểm số cao nhất sẽ trúng tuyển vào vị trí giảng dạy số 1, lần lượt đến vị trí số 2 và những vị trí sau.

Xếp thứ nhì kỳ thi tuyển viên chức ở bộ môn Vật lý, Võ Thị Thùy Liên còn khá nhiều cơ hội để lựa chọn nơi dạy học. Trường THPT ở huyện đồng bằng Duy Xuyên đã được đồng nghiệp có số điểm cao nhất lựa chọn đầu tiên. Sau khi nghiên cứu kỹ danh sách các trường THPT còn lại còn thiếu GV môn Vật lý, Thùy Liên quyết định chọn Trường THPT Nông Sơn (huyện Nông Sơn). “Quê ở Nông Sơn nên em quyết định chọn trường gần nhà để không phải di chuyển quá xa”. Võ Thị Thùy Liên nhận quyết định phân công công tác do ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam ký ngay sau khi đã chọn được nơi để dạy học.

Có điểm thi xếp thứ 15, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền có 3 trường để lựa chọn tại Hội An. “Trước đó em có nguyện vọng vào Trường THPT Trần Quý Cáp, nhưng có 1 ứng viên bằng điểm nên tổ chức bốc thăm và bạn đó được chọn. Em còn 2 đơn vị khác và đã chọn Trường THPT Nguyễn Trãi” – Huyền cho biết.

Quê ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế), tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 2020, Huyền đã đăng ký dự thi tuyển dụng viên chức ngành GD tại địa phương nhưng “chỉ tiêu tuyển dụng quá ít, chỉ 1 chỉ tiêu trong khi số lượng thí sinh dự tuyển quá đông. Em xin vào dạy hợp đồng tại một trường THCS ở Hội An. Do vậy, khi biết ngành GD&ĐT Quảng Nam mở rộng đối tượng thi tuyển trên toàn quốc, em rất hy vọng và đã đăng ký nguyện vọng dự địa bàn dự tuyển là Hội An”, Huyền chia sẻ.

Được chọn nơi công tác dựa trên chính kết quả thi tuyển của mình nên dù nơi được chọn là trường ở xa nhà, nằm ở địa bàn miền núi cao và không đúng với nguyện vọng của mình thì các thầy cô giáo trẻ vẫn cảm thấy vui vẻ, thoải mái vì “điểm xét tuyển của mình thấp hơn bạn bè nên không được quyền lựa chọn trước”. Võ Thị Thùy Liên cho biết: “Việc được chọn trường công tác theo nguyện vọng trên cơ sở điểm xét tuyển từ cao đến thấp này là rất công bằng, khách quan và công khai đối với mọi người. Mình được lựa chọn trường nên tâm lý sẽ rất thoải mái khi tiếp nhận nhiệm sở, không bị áp đặt”.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền với tiết dạy đầu tiên sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức ngành Giáo dục Quảng Nam.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền với tiết dạy đầu tiên sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức ngành Giáo dục Quảng Nam. 

Không có chỗ cho khuất tất

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: “Việc giáo viên được chọn nhiệm sở sẽ đảm bảo yêu cầu khách quan, công khai, tạo thêm động lực cho người dự tuyển, xóa đi suy nghĩ tiêu cực trong công tác bố trí nhiệm sở. Với cách làm này, tất cả đều công khai và đều căn cứ trên kết quả thi tuyển của thí sinh. Thí sinh nào có điểm cao hơn tại kỳ thi xét tuyển viên chức thì được chọn vị trí công tác trước, không có chỗ cho sự thân quen tác động hay con cháu của bất kỳ ai”.

Tất cả những gì liên quan đến thủ tục tiếp nhận đều được ngành GD&ĐT giải quyết nhanh gọn để tiết dạy đầu tiên của các giáo viên trẻ được tiến hành trong một tâm thế hoàn toàn chủ động, tạo hứng khởi cho cả một hành trình dạy học phía trước. “Thầy cô giáo giỏi thì họ xứng đáng được lựa chọn nơi làm việc. Với tâm thế tự tin vào chính năng lực của mình, họ sẽ hoàn toàn an tâm về tư tưởng để tập trung dạy thật tốt, cống hiến cho nghề giáo”, ông Quốc chia sẻ.

Chính cách đổi mới trong bố trí công tác cho giáo viên mới trúng tuyển của Sở GD&ĐT Quảng Nam đã giúp ngành GD&ĐT thu hút được người có trình độ cao, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy. Đơn cử như trường hợp của thầy giáo Đỗ Hoàng Cường, trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục Quảng Nam năm 2017, nhận quyết định bố trí công tác tại Trường THPT Phan Châu Trinh (H. Tiên Phước). Thầy Đỗ Hoàng Cường nguyên là giảng viên tiếng Anh của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc ngành phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Victoria (Úc).

Nhằm giúp giáo viên trẻ nắm bắt được chức trách, nhiệm vụ của mình khi bước vào công việc giảng dạy, ông Quốc cũng chia sẻ với các giáo viên mới nhận quyết định bố trí nhiệm sở về những nhiệm vụ của nhà giáo và cho rằng, cần phải nỗ lực nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức nhà giáo, để mỗi khi “bỏ viên phấn xuống thì bản thân cảm thấy hài lòng”. 

Các giáo viên mới sẽ có 12 tháng tập sự chứ không như trước đây, khi cầm quyết định trên tay là nghiễm nhiên trở thành giáo viên cho đến khi nghỉ hưu. Sau 12 tháng tập sự, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét năng lực của từng người, nếu ai không đáp ứng thì buộc phải rời bục giảng. - Ông Hà Thanh Quốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ