Phụ huynh đến trường giám sát bếp ăn bán trú

GD&TĐ - Tại Thanh Hoá, nhiều phụ huynh đã tham gia giám sát bếp ăn bán trú tại trường học của con mình.

Một bữa ăn trưa tại Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên.
Một bữa ăn trưa tại Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên.

Phụ huynh đến từ 5h30 sáng

Bên cạnh chất lượng giáo dục, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bữa ăn bán trú ở các trường học luôn được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Không khó để bắt gặp cảnh phụ huynh có mặt đột xuất tại một số trường học trên địa bàn TP Thanh Hoá vào mỗi buổi sáng để giám sát quá trình nhận thực phẩm chế biến cho bữa ăn của các con.

Những phụ huynh sau khi có mặt tại trường sẽ kiểm tra khâu đầu tiên là nhận thực phẩm, sau đó giám sát từng công đoạn chế biến thức ăn của các nhân viên cấp dưỡng. Đặc biệt, có phụ huynh bất ngờ đến trong bữa ăn của các con mà không báo trước để đánh giá chất lượng bữa ăn.

Theo bà Lê Thị Hồng Minh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (phường Quảng Thắng, TP Thanh Hoá) nhà trường hiện có 280 học sinh và 100% tham gia bán trú. Những năm trước nhà trường hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm sau đó nhân viên cấp dưỡng của nhà trường sẽ tự nấu theo định lượng được xây dựng trước đó. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 này, nhà trường đã hợp đồng với công ty nấu ăn cho học sinh.

“Dù với phương án nào thì Ban Giám hiệu nhà trường luôn có mặt giám sát nguồn thực phẩm ngay từ khâu đầu tiên. Chúng tôi cùng với nhân viên y tế sẽ có mặt từ sớm để giám sát nguồn thực phẩm đưa vào ban đầu. Dù chỉ bằng mắt thường nhưng sẽ phát hiện được thịt có tươi, rau củ có đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hay không. Quá trình chế biến cũng được chúng tôi sát sao theo dõi”, bà Minh cho biết.

Những bữa ăn bán trú của học sinh hiện nay đều có sự giám sát của phụ huynh.

Những bữa ăn bán trú của học sinh hiện nay đều có sự giám sát của phụ huynh.

Cũng theo bà Minh, từ những năm trước nhà trường đã thành lập Ban giám sát bếp ăn bán trú trong đó có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Ban này sẽ kiểm tra hàng tuần bữa ăn của các con. Tuy nhiên, việc nhiều phụ huynh có mặt đột xuất để kiểm tra bếp ăn bán trú cũng thường xuyên diễn ra ở trường.

“Có phụ huynh có mặt tại trường lúc 5h30 sáng để giám sát thực phẩm đưa vào trường hay trong giờ ăn phụ huynh bất ngờ có mặt để kiểm tra bữa ăn của các con. Nhà trường rất hoan nghênh việc phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong việc đảm bảo bữa ăn cho các con.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng máy test ngay nguồn thực phẩm đưa vào ban đầu cũng như thực phẩm sau khi đã được chế biến. Nhà trường cũng sẽ tận dụng khuôn viên lớn của trường để trồng rau sạch cho học sinh sử dụng”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên cho biết.

Nhân viên cấp dưỡng trong trường đều được tập huấn về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhân viên cấp dưỡng trong trường đều được tập huấn về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Lê Thị Tâm, phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên cho biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ luân phiên cắt cử người giám sát bữa ăn. Thông thường sẽ thực hiện hằng tuần, tuy nhiên sẽ đi những ngày không cố định, đột xuất để đánh giá từ nguồn thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến thực phẩm ra sao, có đảm bảo sự an toàn không.

Nhà trường mong muốn phụ huynh cùng đồng hành

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hoá), nhà bếp được bố trí quy trình một chiều theo đúng quy định của Bộ Y tế. Sau khi tiếp phẩm xong, bộ phận nhà bếp sẽ sơ chế, chế biến, sau đó đưa vào khu vực chia và cuối cùng sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển thức ăn cho học sinh.

Bà Phạm Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình cho biết: “Ban giám hiệu luôn thay nhau có mặt trong buổi sáng tiếp nhận thực phẩm đưa vào chế biến. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu.

Nhà trường rất mong muốn phụ huynh cùng hỗ trợ giám sát an toàn thực phẩm cùng nhà trường, do đó phụ huynh có thể đến đột xuất, không cần báo trước”.

Cũng theo bà Hoa, việc phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú của học sinh đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm trước. Phụ huynh có thể giám sát quy trình chế biến thực phẩm, qua đó góp ý cho trường về khẩu phần ăn cũng như thực đơn bữa ăn.

Những suất ăn của học sinh được chia vào các hộp và đưa đến từng khu

Những suất ăn của học sinh được chia vào các hộp và đưa đến từng khu

Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, trong đội ngũ cấp dưỡng của nhà trường, từ nhiều năm nay đều có phụ huynh tham gia. “Chúng tôi đề nghị công ty nhận hợp đồng với một số phụ huynh để họ vừa tham gia nấu ăn, vừa đồng hành với nhà trường giám sát bếp ăn bán trú của các con”, bà Mai nói.

Bà Thiều Thị Duyên, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hoá, cho biết, toàn địa bàn TP Thanh Hoá có 236 bếp ăn tập thể. Có 70 trường (mầm non và tiểu học) và 128 nhóm lớp mầm non độc lập tự nấu; 35 trường thuê công ty nấu. Hiện nay 100 % các trường học trên địa bàn TP đã thực hiện việc thành lập Ban giám sát bếp ăn bán trú có sự tham gia của đại diện cha mẹ học sinh.

“Hàng năm công tác kiểm tra bếp ăn bán trú được Phòng GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và UBND thành phố thành lập các đoàn kiểm tra và tổ chức tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú. Ngoài ra Phòng giáo dục chủ động kết hợp kiểm tra chuyên môn , kiểm tra công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non, công tác bán trú tại các trường tiểu học trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn, ngăn chặn tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ngộ độc thực phẩm" - bà Thiều Thị Duyên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ