Điểm trường lẻ giữ an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường học tại Nghệ An tổ chức bán trú cho học sinh với nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn và điều kiện của phụ huynh.

Sau khi nấu, các suất ăn của học sinh được đưa về từng lớp.
Sau khi nấu, các suất ăn của học sinh được đưa về từng lớp.

Ở vùng thuận lợi hầu hết tổ chức bán trú cô nuôi, còn ở miền núi khó khăn thì tổ chức bán trú dân nuôi hoặc kết hợp. Điều này dẫn đến khó thực hiện quy tắc, quy chuẩn chung cho tất cả trường học. Thay vào đó, nhà trường phải chủ động tìm nguồn thực phẩm tại địa phương bảo đảm an toàn cho bữa ăn bán trú.

Bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú

Trường Tiểu học Nghi Phú 1 (TP Vinh, Nghệ An) có hơn 600 học sinh, trong đó hơn 500 em đăng ký ăn bán trú tại trường. Dù bếp ăn không lớn nhưng bố trí hợp lý, đầy đủ thiết bị và thực hiện đúng quy trình một chiều. Cũng như phần lớn trường học tại TP Vinh, trường chưa có nhà ăn nên học sinh ăn cơm và nghỉ trưa ngay tại lớp.

Mỗi ngày, từ 10 giờ, hơn 500 suất ăn cho học sinh được bếp ăn hoàn thành và chia vào từng nồi riêng chuyển đến các lớp. Chị Nguyễn Thị Hà – nhân viên nấu ăn lâu năm của nhà trường cho biết: “Tất cả quy trình bếp ăn bán trú đều được tôi và nhân viên khác thực hiện nghiêm túc. Bản thân hàng năm đều tham gia các lớp tập huấn để nắm vững kiến thức an toàn thực phẩm, lên thực đơn bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó tham gia khám sức khỏe định kỳ”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, vấn đề bảo đảm an toàn nguồn thực phẩm được nhà trường quan tâm, chú ý. Nhà trường khảo sát và ký hợp đồng với một số đơn vị, hộ kinh doanh để cung ứng thực phẩm cho bữa ăn bán trú. “Các đơn vị này phải có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và điều kiện kinh doanh cần thiết”, cô Hồng Minh cho hay.

Đóng tại khu vực trung tâm, Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương có hơn 1.000 học sinh. Trong đó khoảng 800 em ăn bán trú buổi trưa. Cô Nguyễn Thị Thành – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thuận lợi của trường là có diện tích khu bếp và nhà ăn rộng rãi. Vì vậy, học sinh không phải ăn tại lớp mà được phục vụ tại nhà ăn. Về nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu nhà trường hợp đồng với các đơn vị cung ứng tại địa phương và phải có đầy đủ giấy chứng nhận theo quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, một số rau củ lấy từ nguồn tin cậy của người dân, phụ huynh theo mùa vụ trên địa bàn, chứ không hoàn toàn từ 1 đơn vị cung ứng. Hiện, để nấu ăn cho số lượng học sinh lớn, nhà trường hợp đồng với 10 nhân viên. Những nhân viên này được tham gia tập huấn về dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bữa ăn xế của các cháu điểm bản Chà Lâng, Trường Mầm non Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Bữa ăn xế của các cháu điểm bản Chà Lâng, Trường Mầm non Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Bếp ăn bán trú dân nuôi gặp khó

Điểm trường Mầm non bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) năm học này chỉ có 29 cháu chia làm 2 nhóm lớp 3 - 4 tuổi và 5 tuổi. Đây là bản xa xôi, khó khăn nhất của xã ốc đảo lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển và 100% bà con người Mông sinh sống. Tuy nhiên, công tác bán trú của điểm trường vẫn được triển khai đầy đủ theo mô hình bán trú dân nuôi. Cụ thể, trẻ mỗi ngày đi học được ăn bữa chính (buổi trưa) và bữa xế (buổi chiều sau khi ngủ dậy).

“Do điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa nên điều kiện cơ sở vật chất bếp ăn không thực hiện được theo quy định. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm chủ yếu là mua trong dân và phụ huynh tự đem đến trường nấu ăn nên không có giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, nhà trường, phụ huynh khắc phục khó khăn để duy trì với mong muốn trẻ được ăn đủ bữa, đủ chất, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng”, cô Lầu Y Xò nói.

Cô Lầu Y Xò, giáo viên tại điểm Chà Lâng cho hay, phụ huynh thay phiên nhau đến nấu cơm trưa cho trẻ và phụ giúp cô giáo dọn dẹp, vệ sinh, quản lý các cháu nghỉ trưa. Riêng bữa xế cô giáo sẽ phụ trách. Nước uống và vệ sinh cho trẻ cũng được đun nóng, giữ ấm.

Huyện Tương Dương có 100% trường mầm non và hơn 50% trường tiểu học, THCS tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh. Bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện thông tin, huyện luôn yêu cầu các trường nêu cao vai trò trách nhiệm khi tổ chức bán trú, nội trú cho học sinh và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên trên thực tế việc tổ chức các bếp ăn tập thể ở các nhà trường còn nhiều khó khăn và chủ yếu linh hoạt theo thực tiễn.

Nhiều trường điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm nên số bếp ăn một chiều ít. Đặc biệt một số trường, điểm trường vùng sâu vùng xa, bếp ăn đơn giản, sơ sài. Nguồn thực phẩm cũng không có nhiều loại tươi ngon hoặc bảo đảm giấy tờ như quy định.

Cũng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, công tác bán trú là giải pháp hiệu quả để duy trì, ổn định sĩ số học sinh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục toàn diện ở nhà trường. Vì vậy, trong điều kiện thực tế còn khó khăn, ngành khuyến khích nhà trường tự tăng gia sản xuất để cung ứng rau sạch cho học sinh. Bên cạnh đó, có thể tìm những nguồn cung ứng bảo đảm tin cậy từ phụ huynh hoặc giáo viên tại địa phương.

Thời gian qua, an toàn vệ sinh thực phẩm được trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An quan tâm và thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, do điều kiện phụ huynh học sinh từng địa bàn khác nhau nên bếp ăn tập thể cũng được tổ chức theo nhiều hình thức: Bán trú cô nuôi, bán trú dân nuôi hoặc kết hợp (một số điểm trường vùng cao học sinh sẽ mang cơm, thức ăn đến trường còn cô giáo nấu thêm canh, rau...).

Đối với trường học vùng trung tâm, thuận lợi có điều kiện tổ chức bếp ăn tập thể (bán trú cô nuôi) theo quy định. Còn các trường vùng khó khăn, tổ chức bán trú dân nuôi thì việc thực hiện quy định về bếp ăn một chiều hoặc quy định về ba bước kiểm định khó khả thi.

Báo cáo về công tác an toàn thực phẩm trong các nhà trường của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chỉ rõ những khó khăn như: Trên thị trường nhiều nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc nên khó kiểm soát trước khi đưa vào trường học. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa được chặt chẽ, ảnh hưởng đến quản lý chất lượng nguồn thực phẩm.

Về phía ngành Y tế từ đầu năm học cũng có nhiều văn bản tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học. Vừa qua, Đoàn giám sát an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 đã triển khai giám sát 44 bếp ăn bán trú trường học. Trong đó có 22/44 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 50%); 22 cơ sở còn lại có một số điều kiện chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bác sĩ Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nghệ An cho biết: Các tồn tại chủ yếu của bếp ăn bán trú trường học như chưa kiểm nghiệm nguồn nước đưa vào sơ chế biến, nước uống qua lọc theo quy định; chế độ kiểm thực và lưu mẫu thức ăn; vấn đề lưu trữ thực phẩm; phân loại rác và thực hành của nhân viên bếp ăn… Các nhà trường cần lưu ý để bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chống ngộ độc khi tổ chức bán trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ